Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh EU: Tập trung chính sách thương mại

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Brussels với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào chính sách thương mại của khối.
Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh EU: Tập trung chính sách thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theparliamentmagazine.eu)

Ngày 21/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã kết thúc ngày làm việc thứ hai tại Brussels với chương trình nghị sự tập trung chủ yếu vào chính sách thương mại của khối.

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Âu tái khẳng định sự ủng hộ đối với tự do thương mại toàn cầu đồng thời tuyên bố việc bảo vệ các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội ở châu Âu là một phần của lợi ích thương mại của EU.

Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết đấu tranh "một cách hiệu quả và mạnh mẽ" chống gian lận thương mại và dự kiến dự thảo luật hiện đại hóa các công cụ phòng vệ thương mại của EU sẽ được thông qua vào cuối năm 2016.

Tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã thông báo kết quả các cuộc thảo luận liên quan đến chính các sách thương mại của EU và những cản trở khiến thỏa thuận kinh tế thương mại EU-Canada (CETA) chưa được thông qua.

Trong khi ông Tusk đã lấy làm tiếc vì hình ảnh và vị thế của châu Âu có thể bị suy giảm trong các cuộc đàm phán thương mại với các đối tác tiếp theo, thì ông Juncker bày tỏ tin tưởng rằng sẽ sớm tìm được giải pháp cho thỏa thuận này vài ngày tới.

Liên quan đến lĩnh vực đối ngoại, giới lãnh đạo EU đã dành một buổi thảo luận về phương hướng chiến lược quan hệ với nước Nga. Dù ba nước lớn nhất châu Âu là Anh, Pháp và Đức chủ trương đưa ra những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột Syria, song cuối cùng thông cáo chung của hội nghị chỉ tuyên bố EU sẽ xem xét mọi khả năng, bao gồm đưa ra biện pháp trừng phạt bổ sung, trong trường hợp chiến dịch không kích hiện nay của Nga ở thành phố Aleppo tiếp diễn.

Về vấn đề người di cư, các lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí cho rằng EU cần nỗ lực giảm số lượng người di cư trái phép đến châu Âu đồng thời đẩy mạnh việc hồi hương người nhập cư trái phép về nước.

Lần đầu tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh, bà Theresa May đã trấn an các lãnh đạo EU rằng sẽ không có một Brexit "cứng" mà quá trình nước Anh tách khỏi EU sẽ được tiến hành thận trọng để giảm thiểu các hệ quả tiêu cực.

Thủ tướng Anh cũng cam kết trong tương lai hậu Brexit nước Anh sẽ vẫn là một "đối tác tin cậy và thân thiết" của EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục