Trang blog điều tra trực tuyến của Anh Bellingcat đã cáo buộc Bộ Quốc phòng Nga làm giả các video không kích vào những mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria.
Nhóm này cho rằng các địa điểm được đánh dấu trong những video này thực tế được quay cách xa hàng trăm km, nơi IS không hề có sự hiện diện.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga đã đăng tải các đoạn video về các vụ không kích vào vị trí của phiến quân IS tại những địa điểm như căn cứ trọng yếu của lực lượng này ở Raqqa, phía Bắc Syria.
Tuy nhiên, Bellingcat tuyên bố địa điểm Nga không kích hôm 3/10 không phải là căn cứ của IS mà là thị trấn Al-Latamneh, nằm cách khu vực do IS kiểm soát 150 km.
Bellingcat cũng cho rằng các nhóm dân cư địa phương đã quay được video trên thực địa để chứng minh điều này.
Nhóm điều tra này muốn thu thập các bằng chứng từ cộng đồng dân cư để xác định vị trí địa lý cho từng đoạn video mà Bộ Quốc phòng Nga đăng tải.
Trước đó, nhóm này cũng cáo buộc Moscow đã đưa ra những hình ảnh vệ tinh giả về thảm họa máy bay của Hãng hàng không Malaysia Airlines MH17.
Máy bay của hãng hàng không Malaysia đã bị bắn rơi tại khu vực phía Đông Ukraine ngày 17/7/2014, khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Vào cuối tháng 7/2014, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố dữ liệu giám sát quân sự cho thấy chiến đấu cơ của Ukraine đã bám theo MH17 ít phút trước khi chiếc máy bay này bị rơi.
Bộ này cũng đăng tải các hình ảnh vệ tinh về những khu vực lân cận nơi Kiev triển khai các đơn vị phòng không. Tuy nhiên, Bellingcat cho rằng những hình ảnh đó là giả mạo.
Tuyên bố của tổ chức này phần lớn dựa trên phân tích về hình ảnh vệ tinh, được thực hiện thông qua trang web FotoForensics.com.
Tuy nhiên, ngay cả người sáng lập ra trang web này cũng không tin tưởng vào tính chân thực trong hoạt động của Bellingcat.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo danh tiếng Der Spiegel của Đức, chuyên gia phân tích hình ảnh Jens Kriese đã chỉ trích nhóm điều tra này.
Ông Jens Kriese nói: “Dưới góc độ chuyên môn, cách tiếp cận của Bellingcat không mấy khách quan. Cách thức tiến hành cơ bản của nhóm này dựa trên cái gọi là Phân tích mức độ sai lệch (ELA). Phương pháp này mang tính chủ quan và không dựa hoàn toàn trên khoa học.”
Ông Jens Kriese nhận định: “Điều Bellingcat đang làm không khác gì thầy bói xem voi. Chỉ những người không chuyên nhưng yêu thích công việc này mới sử dụng phương pháp ELA”./.