Bến Tre thúc đẩy sản phẩm dừa trên con đường hội nhập và phát triển

Với trên 72.000 ha dừa, chiếm 50% diện tích dừa cả nước, sản lượng dừa hằng năm của tỉnh Bến Tre đạt trên 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mức 200 triệu USD.
Bến Tre thúc đẩy sản phẩm dừa trên con đường hội nhập và phát triển ảnh 1Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chào mừng Lễ hội dừa Bến Tre. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tối 16/11, thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) đã tổ chức Lễ khai mạc Lễ hội dừa Bến Tre lần thứ 5 năm 2019 với chủ đề "Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững".

Tham dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tỉnh Bến Tre qua các thời kỳ; đại diện các bộ, ngành hữu quan, một số tỉnh trong cả nước và đông đảo các tầng lớp nhân dân tỉnh Bến Tre.

Ngoài ra, đại diện từ tổng lãnh sự quán Lào và Nhật Bản tại Việt Nam, đại biểu các nước Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan...cùng nhiều đại diện các tập đoàn, công ty trong và ngoài nước cùng tham dự.

"Vườn dừa quốc gia" Bến Tre

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, từ năm 2009, lễ hội dừa được tổ chức với quy mô cấp địa phương, sau đó dần được mở rộng.

Đến lần tổ chức thứ 3 (năm 2012), lễ hội dừa Bến Tre chính thức được nâng tầm lên cấp quốc gia. Tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ hội dừa lần thứ 5 năm 2019 có ý nghĩa đặc biệt, khi đây là lần đầu tiên được tổ chức lồng ghép với Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn ở từng xã, ấp, tạo thành những ngày vui hội làng dừa trong toàn tỉnh.

Tỉnh mong muốn lập thành tích thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17/1/1960-17/1/2020) và 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), tiến tới chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp.

Với trên 72.000 ha dừa, chiếm 50% diện tích dừa cả nước và 80% diện tích dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng dừa hằng năm của tỉnh Bến Tre đạt trên 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu đã vượt mức 200 triệu USD và sản phẩm dừa đã có mặt ở trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những giá trị đó đã góp phần khẳng địnhvai trò quan trọng của cây dừa trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và chuỗi giá trị dừa cũng đặt trong sự phát triển chung của nền kinh tế quốc gia, trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân…

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh, cây dừa được xem là hình ảnh quê hương, là biểu tượng văn hóa từ tâm linh đến sinh hoạt đời thường của hàng trăm triệu người dân trên thế giới.

Ở nước ta, các tỉnh Nam Bộ chiếm hơn 80% sản lượng dừa của cả nước, với khoảng 150.000 ha, trong đó Bến Tre có hơn 72.000 ha với gần 200.000 hộ trồng dừa, là tỉnh có sản lượng, tiềm năng chế biến xuất khẩu dừa lớn nhất trên toàn quốc. 

Có thể nói Bến Tre là "vườn dừa quốc gia", là "thủ phủ" cây dừa của cả nước. Nghề trồng dừa ở Bến Tre từ lâu đã được xem như sắc thái văn minh miệt vườn, ngành dừa luôn đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Với người dân tỉnh Bến Tre, cây dừa đã trở nên hết sức thân thuộc, là cây chiến lược, cây công-nông nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cây dừa cũng là biểu tượng mang dấu ấn văn hóa cách mạng và đời sống tâm linh mang đậm hình ảnh quê hương Đồng khởi sống động đã đi vào văn học-nghệ thuật, ăn sâu vào tâm thức của mỗi người dân xứ dừa.

Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hình ảnh lá dừa gắn bó với đội quân tóc dài cùng tiến lên đấu tranh cách mạng.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, thời gian qua cây dừa và những sản phẩm dừa có những bước thăng trầm. Cây dừa và làng nghề trồng dừa chưa được quan tâm đúng mức, sản phẩm từ dừa tuy rất đa dạng phong phú nhưng giá trị mang lại chưa cao.

Đời sống của người nông dân trồng dừa trong cả nước nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng chỉ mới có thể thoát nghèo chứ chưa thể làm giàu, trong khi đó sự biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài, hạn hán và lũ lụt bất thường là mối đe dọa cho những vùng đồng bằng ven biển, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Bối cảnh trên đòi hỏi tỉnh Bến Tre phải không ngừng nỗ lực năng động sáng tạo dựa vào lợi thế so sánh về thiên nhiên, tiềm năng thế mạnh của mình phát huy tinh thần đồng khởi trong thời kỳ mới, chuyển hóa khó khăn thành thuận lợi, xây dựng Bến Tre phát triển mạnh mẽ, bền vững.

Tỉnh Bến Tre cần tạo ra những sự kết nối nhanh chóng và hiệu quả, trước hết là với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút được các nhà đầu tư trong nước, châu Á và quốc tế có nguồn lực tài chính công nghệ hiện đại, trình độ quản trị cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, đột phá. 

Trong đó, chính quyền cần nỗ lực xây dựng Bến Tre trở thành "thủ phủ dừa" Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa có giá trị gia tăng cao, đồng thời có các giải pháp chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trong tương lai, nhất là cho vùng đồng bằng thấp, ven biển.

Tỉnh Bến Tre cần tăng cường liên kết trong tiêu thụ, đổi mới cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu dừa tầm cỡ quốc gia và thế giới; tạo ra giá trị gia tăng mạnh mẽ có lợi cho người trồng dừa; tăng thu nhập cho công nhân trong các nhà máy sản xuất, chế biến dừa; phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị gia tăng sản phẩm dừa; không để người trồng dừa thua thiệt trên thương trường.

Phó Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Bến Tre tổ chức Lễ hội dừa lần thứ 5, một sự kiện có ý nghĩa thiết thực và mang tính cộng đồng cao, nội dung phong phú, qua đó quảng bá hình ảnh đất nước, con người Bến Tre và tôn vinh những người nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý đã có nhiều đóng góp để phát triển cây dừa Việt Nam.

Bến Tre thúc đẩy sản phẩm dừa trên con đường hội nhập và phát triển ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Phan Văn Mãi dự khai mạc Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre lần thứ 5. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trồng dừa đóng góp phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng cao với biến đổi khí hậu

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình mong rằng, trong tương lai Bến Tre sẽ không chỉ hợp tác sâu rộng chặt chẽ giữa các tỉnh trồng dừa trong nước mà có thể đẩy mạnh nghiên cứu học tập kinh nghiệm của các nước có ngành dừa phát triển, giúp có thêm nhiều sản phẩm mới đa dạng về chủng loại, độc đáo và có sức cạnh tranh cao.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đề nghị tỉnh Bến Tre và các tỉnh có trồng dừa, các bộ, ngành liên quan quy hoạch phát triển vùng chuyên canh ở những vùng đất phù hợp, đầu tư nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng về giống với tinh thần phát triển trồng dừa không chỉ là lợi ích kinh tế mà còn có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Tỉnh cần có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thế mạnh từ cây dừa, sản phẩm từ dừa. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm dừa, các hợp tác xã nông nghiệp thủ công mỹ nghệ… cần đẩy mạnh liên kết phát triển chuỗi sản xuất từ dừa, sản phẩm từ dừa; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến người dân thay đổi thói quen sản xuất định hướng cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất, chế biến gắn kết chặt chẽ với người nông dân trồng dừa từ quy chuẩn chất lượng cho đến cam kết tiêu thụ.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tỉnh Bến Tre và các tỉnh có trồng dừa cùng các bộ ngành liên quan cần tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ từ sản phẩm dừa, phấn đấu trong vòng 5-10 năm tới nâng kim ngạch xuất khẩu gấp 10 lần so với hiện nay, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng dừa, tạo nguồn thu nhập ngoại tệ và đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Đi kèm với đó là tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hình ảnh quê hương xứ dừa xanh Bến Tre với không khí trong lành trên vùng đất địa linh nhân kiệt, sinh thái biển, văn minh văn hóa miệt vườn giàu bản sắc của Đồng bằng sông Cửu Long trù phú, nhằm thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ, các bộ, ngành trung ương cần quan tâm hỗ trợ cho ngành dừa phát triển, nhất là khâu nghiên cứu, ứng dụng khoa học-công nghệ chế biến và phát triển thị trường, đề xuất các chính sách phát huy tiềm năng, thế mạnh, tác dụng của cây dừa trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu bộ, ngành liên quan cùng với tỉnh Bến Tre kịp thời có các giải pháp tích cực và kế hoạch triển khai về các công trình thủy lợi cũng như các giải pháp thi công công trình phù hợp để bảo vệ và phát triển vườn dừa quốc gia Bến Tre thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

Trải qua 5 kỳ tổ chức, lễ hội dừa tỉnh Bến Tre đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, doanh nghiệp, quy mô, hình thức ngày càng được mở rộng, đa dạng phong phú và hướng về cộng đồng, lấy người dân làm chủ thể.

Lễ hội năm nay là dịp để Bến Tre tiếp tục quảng bá, giao lưu kết nối với những tỉnh trồng dừa trong cả nước và quốc tế, là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và cả nước nói chung.

Qua đó khẳng định vị thế của cây dừa trong sự phát triển chung của đất nước và quan tâm đến lợi ích của người trồng dừa, doanh nghiệp chế biến kinh doanh các sản phẩm từ dừa.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tin tưởng rằng với sự nỗ lực của các cấp và bộ ngành có liên quan, các tỉnh trồng dừa cũng như ngành dừa Việt Nam sẽ có bước phát triển bền vững, thu nhập của người nông dân trồng dừa được nâng lên, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm dừa đạt hiệu quả cao hơn.

Mang chủ đề "Cây dừa trên đường hội nhập và phát triển bền vững", Lễ hội dừa Bến Tre lần thứ 5 diễn ra từ ngày 14/11 đến ngày 20/11 với chuỗi hoạt động nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu ngành dừa, sản phẩm dừa Bến Tre nói riêng và của Việt Nam nói chung với du khách trong nước và quốc tế.

Lễ hội cũng tạo cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm dừa giữa các nông dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, thúc đẩy liên kết từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm dừa Bến Tre và Việt Nam.

Bên cạnh đó, lễ hội cũng là nơi tôn vinh cây dừa, sản phẩm dừa và những cá nhân trong hoạt động kinh tế-xã hội gắn liền với cây dừa, đặc biệt là những nghệ nhân, người thợ, người nông dân đã gắn bó hết mình cho cây dừa, giúp cho các thế hệ hiểu và phát huy các giá trị từ cây dừa mang lại trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức như: Liên hoan Ẩm thực dừa Nam Bộ; Triển lãm sản phẩm dừa và Hội chợ thương mại; giới thiệu các sản phẩm dừa và người sản xuất, chế biến dừa; Hội thảo "Xây dựng, khai thác, phát triển nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tỉnh Bến Tre"..../.

Bến Tre thúc đẩy sản phẩm dừa trên con đường hội nhập và phát triển ảnh 3Chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc Lễ hội Dừa Bến Tre lần thứ 5. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục