Bỉ sắp có Chính phủ?

Bỉ: Bước tiến quan trọng trong lập chính phủ mới

Sau hơn 15 giờ thương lượng, 8 chính đảng lớn tham gia đàm phán đã có bước đi kiên quyết đầu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng.
Tối 14/9, ông Elio Di Rupo, người được Nhà Vua Bỉ giao nhiệm vụ giải quyết bế tắc chính trị hiện nay ở nước này, thông báo đã có sự khai thông trong tiến trình đàm phán thành lập chính phủ mới kéo dài hơn một năm qua.

Trong thông báo công bố sau hơn 15 giờ thương lượng, ông Rupo cho biết 8 chính đảng lớn tham gia đàm phán đã có bước đi kiên quyết đầu tiên nhằm giải quyết khủng hoảng.

Ngoài nhiều vấn đề khác, các đảng đã tìm cách giải quyết bất đồng về quận Bruxelles-Hal-Vilvorde, khu vực nói cả hai thứ tiếng Hà Lan và Pháp bao gồm thủ đô của Bỉ và các vùng ngoại ô, đồng thời cũng là vấn đề gây trở ngại cho các cuộc thương lượng trong vài ngày qua.

[Nước Bỉ lập kỷ lục về thời gian không có chính phủ]

Thông báo nhấn mạnh cho dù tiến trình thành lập chính phủ mới còn lâu mới được hoàn tất và vẫn còn nhiều vấn đề cần được bàn thảo, song diễn biến mới này sẽ tạo bước tiến quan trọng.

Trước đó, báo chí Bỉ đưa tin Thủ tướng tạm quyền Yves Leterme đã quyết định từ chức để trở thành Phó Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Ông Leterme cho biết thời điểm chính xác ông rời khỏi chức Thủ tướng Bỉ sẽ tùy thuộc vào các cuộc thương lượng về thành lập chính phủ mới, và vai trò của ông trong điều hành chính phủ tạm quyền hiện nay. Nếu được phê chuẩn, ông Leterme sẽ bắt đầu công việc tại OECD sớm nhất là vào cuối năm nay.

[Nhà Vua Bỉ chỉ định trung gian hòa giải chính trị]

Sau cuộc tổng tuyển cử ngày 6/10 năm ngoái, nước Bỉ vẫn nằm dưới quyền điều hành của chính phủ tạm quyền. Các cuộc đàm phán thành lập chính phủ mới liên tiếp thất bại do bất đồng giữa vùng Flanders giàu có ở phía Bắc nói tiếng Hà Lan, chủ trương chia tách đất nước và vùng Wallonia nói tiếng Pháp ở miền Nam.

Bế tắc này đang đe dọa tương lai kinh tế của Bỉ nói riêng và cả châu Âu nói chung.

Theo Nhà Vua Bỉ Albert II, tình hình này kéo dài sẽ tác động tiêu cực và rõ ràng đến đời sống kinh tế và xã hội của người dân, gây lo ngại cho các đối tác kinh tế, hủy hoại vị thế của Bỉ ở châu Âu, thậm chí đe dọa xu hướng hội nhập trong khu vực./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục