“Biếm sĩ” Lý Trực Dũng giới thiệu về biếm họa Việt

Lý Trực Dũng sẽ giới thiệu với công chúng người vẽ tranh biếm họa đầu tiên cũng như các thời kỳ phát triển của nền biếm họa Việt.
Ai là người vẽ tranh biếm họa đầu tiên ở Việt Nam? Biếm họa Việt Nam đã trải qua những thời kỳ phát triển như thế nào và đạt được các thành tựu ra sao?

Tất cả những thắc mắc này sẽ được trình bày chi tiết và hết sức thú vị qua các nghiên cứu của “biếm sĩ” Lý Trực Dũng kèm các tranh minh họa sinh động cho từng thời kỳ, từng tác giả tiêu biểu được tập hợp trong cuốn sách về biếm họa đầu tiên ở Việt Nam nhan đề “Biếm họa Việt Nam.”

Ông từng nói một cách hóm hỉnh về những bức họa “đả kích” của mình: “Quan trọng nhất, bản chất nhất của biếm họa là xây dựng.”

Và tuy chỉ nhận được vài trăm ngàn đồng cho một bức tranh biếm họa nhưng Lý Trực Dũng vẫn say sưa với nghề và tự nhủ "trách nhiệm của người họa sĩ biếm họa đối với xã hội rất to lớn." Là họa sĩ biếm hàng đầu trên truyền thông hiện nay, sau triển lãm cá nhân lần đầu tiên năm 2009, ông chuẩn bị một cuộc hội thảo về Lịch sử biếm họa Việt Nam và những điểm sáng, những nhân vật đặc biệt của "Làng Cười Việt."

Hội thảo và triển lãm biếm họa sẽ được mở cửa vào ngày 9/3 tại Trung tâm Văn hóa Pháp 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Họa sĩ, kiến trúc sư Lý Trực Dũng trở thành cái tên quý hiếm trong làng “biếm cọ” nước nhà. Hơn 35 năm vẽ biếm họa, “biếm sĩ” này hiện sở hữu một kho tàng đáng nể, với nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, hàng ngàn bức tranh biếm…

Tại Đức, Lý Trực Dũng có tranh trên các tạp chí biếm họa và nhật báo như: Eulenspiegel, Fur Dich, FreieWelt, Tribune, Bauer Zeitung, Das Magazin, Die Welt. Ngoài ra, ông từng được nhận Giải thưởng biếm họa của International Biennal of Humor (Cuba 1983) và Giải thưởng biếm họa của International Cartoonfestival Knokk Heist (Bỉ 1984)./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục