Biểu tình phản đối tiếp diễn tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình đang cố tiến vào Công viên Gezi.

Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 13/7 đã một lần nữa phải sử dụng vòi rồng và hơi cay để giải tán đám đông biểu tình đang cố tiến vào Công viên Gezi dọc Quảng trường Taksim ở thành phố Istanbul, nơi được coi là "trái tim" của làn sóng biểu tình chống Chính phủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan kéo dài suốt hai tháng qua.

Cuộc biểu tình do Công đoàn Hiệp hội Kiến trúc sư và Kỹ sư phát động, có sự tham gia của hàng trăm người nhằm phản đối một dự luật sẽ có hiệu lực vào tuần tới, theo đó hiệp hội này không còn có khả năng gây ảnh hưởng tới các kế hoạch xây dựng của thành phố.

Những người biểu tình tụ tập trên Đại lộ Istiklal cách Công viên Gezi khoảng 400m, hô những khẩu hiệu chống chính phủ, đồng thời cảnh báo "đây mới chỉ là sự khởi đầu và cuộc chiến sẽ còn tiếp tục."

Các lối vào Công viên Gezi bị lực lượng cảnh sát phong tỏa, song một số người quá khích vẫn cố tình tiến vào, buộc lực lượng cảnh sát phải sử dụng đạn cao su và hơi cay để giải tán. Một số đối tượng quá khích đã bị bắt giữ.

Trong khi đó, tại thành phố Antakya hàng trăm người tụ tập tại khu vực Armutl để tưởng nhớ hai người dân địa phương đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình phản đối chính phủ trước đó. Bất chấp việc cảnh sát sử dụng vũ lực để giải tán, người dân vẫn tiếp tục biểu tình.

Còn tại thủ đô Ancara, hàng trăm người cũng tham gia biểu tình tại các địa điểm gần Đại sứ quán Mỹ. Tuy đụng độ không xảy ra nhưng lực lượng cảnh sát vẫn được trang bị đầy đủ các vật dụng chuyên dụng.

[Tòa án Thổ Nhĩ Kỳ hủy kế hoạch phá công viên Gezi]

Kế hoạch phá Công viên Gezi đã làm dấy lên làn sóng phản đối kể từ ngày 31/5. Các cuộc biểu tình và bạo loạn sau đó đã bùng phát với sự tham gia của hơn 2,5 triệu người tại nhiều thành phố trên toàn quốc. Tính đến nay, đã có 5 người thiệt mạng, hơn 8.000 người bị thương trong các cuộc biểu tình.

Chính phủ của Thủ tướng Tayyip Erdogan đã phải đương đầu cùng lúc với sức ép cả trong và ngoài nước trước làn sóng biểu tình quy mô lớn kéo dài này.

Cùng ngày, tại Bulgaria, khoảng 2.500 người đã tham gia cuộc biểu tình tại thủ đô Sofia để phản đối chính phủ. Những người biểu tình tuần hành dọc các tuyến phố ở trung tâm, yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Plamen Oresharski từ chức. Cuộc biểu tình đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng giao thông ở thủ đô.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bulgaria đã kéo dài gần một tháng, sau khi Thủ tướng Oresharski bổ nhiệm luật sư Delyan Peevski, 32 tuổi, làm người đứng đầu Cơ quan An ninh quốc gia.

Quyết định này đã gây bất bình trong dư luận vì người dân cho rằng ông Peevski không có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh để có thể đứng đầu một cơ quan an ninh quyền lực như vậy, thậm chí còn bị nghi đứng sau một tập đoàn truyền thông do mẹ ông là chủ sở hữu. Quyết định bổ nhiệm ông Peevsk hiện đã được rút lại, song những hệ lụy từ đó vẫn chưa được giải quyết./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục