Bình Định kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử

Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sỹ Hàn Mặc Tử.
Trong hai ngày 20 và 21/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sỹ Hàn Mặc Tử (22/9/1912-22/9/2012).

Thi sỹ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại làng Lệ Mỹ, thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), nhưng gần trọn cuộc đời mình gắn với đất Quy Nhơn, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng phong trào Thơ Mới (1932-1945); người khai sinh “trường thơ loạn,” “thơ điên”…

Gần cả cuộc đời phải chống chọi với bạo bệnh, cũng là gần trọn cuộc đời, thi sỹ luôn đấu tranh cho khát vọng được sống, được yêu đến quằn quại, đau đớn. Tuy nhiên, cũng nhờ những đau khổ trong cuộc đời mà thi sỹ họ Hàn đã để lại cho đời rất nhiều kiệt tác thơ.

Thi sỹ họ Hàn mất khi mới 28 tuổi (1940), hiện mộ ông được an táng trên Đồi Thi nhân (thành phố Quy Nhơn), bên dưới là sóng biển rì rào với Bãi Trứng, bãi tắm Hoàng Hậu cùng khung cảnh biển cả mênh mông.

Tại Hội thảo 100 năm sinh Nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói Hàn Mặc Tử sinh ra cách đây tròn 100 năm và đã mất đi cách đây 72 năm, và đây không phải là lần đầu chúng ta bàn về thi sỹ tài hoa bạc mệnh này, nhưng tất cả cứ như mới, vẫn như lần đầu tiên văn đàn nghiên cứu, đánh giá về “hiện tượng thơ” lỗi lạc này.

Sinh thời, nhà thơ Chế Lan Viên từng viết “Mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, còn lại chút gì trên đời này đáng kể, đó chính là Hàn Mặc Tử”…

Nhà thơ Thanh Thảo vừa phát hiện ra một chi tiết rất hay rằng, theo lịch âm, Hàn sinh vào ngày 12/8 năm Nhâm Tý. “Vậy là Hàn Mặc Tử, tác giả bài thơ 'Giữa mùa trăng' đã sinh ra giữa mùa trăng, lại là mùa trăng Trung thu, thời điểm sáng nhất, đẹp nhất trong năm. Từ nhiều năm, tôi để ý, không phải đêm trăng rằm, mà trăng mười hai mới là vầng trăng huyền ảo nhất. Có lẽ vì nó chưa tới độ viên mãn, nó khao khát, nó đắm đuối” - nhà thơ Thanh Thảo nói.

Còn nhà lý luận phê bình Phan Cự Đệ đã từng đánh giá về Hàn Mặc Tử “Trong khoảng trên dưới một chục năm hoạt động trong thi đàn, Hàn Mặc Tử đã từ cổ điển, lãng mạn, tiến nhanh sang tượng trưng, siêu thực góp một phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt Nam.”

Điều đáng kể nhất là ở loại hình nào, phạm trù nào, Hàn Mặc Tử cũng là trụ cột./.

Ly Kha (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục