Bình Dương: Tốn tiền tỷ xử lý, lục bình vẫn kín đặc mặt sông

Dù đã tốn tiền tỷ nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương vẫn bất lực trước thực trạng lục bình tái sinh rất nhanh, bịt kín mặt sông Sài Gòn.

Sau hai đợt trục vớt 3.500 tấn lục bình trên sông Sài Gòn và nhiều kênh rạch, dù đã tốn tiền tỷ nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương vẫn bất lực trước thực trạng lục bình tái sinh rất nhanh, bịt kín mặt sông.

Theo quan sát của chúng tôi, bến Bạch Đằng (bờ sông Sài Gòn đoạn phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một) là địa điểm ngắm cảnh sông Sài Gòn lý tưởng nhất ở Bình Dương. Nơi đây có Công viên Bạch Đằng - địa điểm người dân thường chọn làm nơi thư giãn, hóng mát. Nhưng gần đây, người dân sống gần bờ sông cũng như nhiều người đến công viên đều tỏ ra khó chịu vì lục bình phủ kín mặt sông, không còn nhìn thấy mặt nước bến Bạch Đằng.

Sau 2 đợt ra quân hồi giữa tháng Năm vừa qua với quy mô cấp tỉnh, lực lượng chức năng đã trục vớt được 2.630 tấn lục bình với tổng kinh phí thực hiện hơn 584 triệu đồng (bình quân chi phí hơn 222.000 đồng/tấn). Trong khi đó, ở quy mô cấp huyện, các lực lượng cũng đã vớt được hơn 896 tấn với chi phí lên đến 608 triệu đồng (tương đương gần 700.000 đồng/tấn).

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, do ở cấp huyện, việc vớt lục bình được thực hiện bằng hình thức thủ công, huy động hàng ngàn người vào cuộc nên chi phí phát sinh tăng cao so với thực hiện bằng cơ giới.

Tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất, sông Sài Gòn từ thượng nguồn huyện Dầu Tiếng kéo đến địa phận thị xã Thuận An với chiều dài hàng chục km vẫn "nhiễm" đầy lục bình.

Cũng theo ông Phạm Danh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cây lục bình vẫn phát triển với mật độ dày đặc, có nhiều đoạn sông Sài Gòn lục bình “bịt kín” mặt sông, gây khó khăn cho các phương tiện đường thủy và cản trở dòng chảy thoát nước tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

Ông Danh cũng cho biết việc xử lý lục bình trên sông Sài Gòn chủ yếu được thực hiện tại bờ tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, trong khi tại bờ tiếp giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh, việc này chưa được thực hiện. Do đó, chỉ sau thời gian ngắn, lục bình tiếp tục phát sinh trở lại, cản trở dòng chảy trên nhiều tuyến sông.

Ông Trần Bá Luận, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Bình Dương cho hay việc xử lý lục bình còn nhiều lúng túng, chưa có giải pháp bền vững.

Theo ông Luận, về lâu dài, cần nghiên cứu đời sống sinh học của cây lục bình như xử lý ngó để ngăn chặn triệt để lục bình tái sinh.

Ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết chủ trương của tỉnh không chỉ là vớt lục bình mà quan trọng là khơi thông dòng chảy, làm sạch vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, cần sự phối hợp giữa các ngành, giữa các địa phương cũng như các tỉnh, thành mới có thể làm sạch được lục bình trên sông Sài Gòn.

Theo kinh nghiệm của ông Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, vào mùa mưa, việc tiến hành xả lũ hồ Dầu Tiếng ra biển cũng góp phần hạn chế lục bình trên sông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục