Binh sĩ Thái mang vũ khí để đối phó với bạo lực

Quân đội Thái Lan trang bị vũ khí cho binh sĩ tại các vị trí canh gác then chốt ở nước này sau các vụ tấn công bằng lựu đạn mới đây.
Chính phủ Thái Lan ngày 22/3 đã triển khai thêm các biện pháp an ninh nhằm đối phó với nguy cơ xảy ra bạo lực trong thời gian Mặt trận thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) tiến hành các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Quân đội Thái Lan sẽ trang bị vũ khí cho những binh sĩ tại các vị trí canh gác then chốt ở nước này như trạm kiểm soát, tòa nhà chính phủ cũng như căn cứ quân sự sau các vụ tấn công bằng lựu đạn mới đây.

Người phát ngôn Quân đội Thái Lan, Đại tá Sunsern Kaewkumnerd nhấn mạnh rằng do tình trạng bạo lực xảy ra trong thời gian qua, chính phủ quyết định điều chỉnh biện pháp an ninh. Khoảng 30.000 binh sĩ Thái Lan được triển khai để ngăn ngừa bạo lực khi các cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" đã bước sang tuần thứ hai, hiện những binh sĩ này chưa được trang bị vũ khí.

Trong khi đó, UDD bắt đầu thực hiện "chiến thuật mới". Một thủ lĩnh của UDD, ông Natthawut Saikua tuyên bố kể từ ngày 22/3, UDD sẽ huy động một "nhóm phản ứng nhanh" khoảng 10.000 người "bám" theo Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ở bất cứ nơi đâu nhằm không ngừng thúc ép ông đáp ứng các yêu sách của họ. Ông này còn cảnh báo nếu tín hiệu Kênh truyền hình nhân dân của họ bị chặn sóng hay gián đoạn, sẽ có thêm nhiều người biểu tình xuống đường.

Phe "áo đỏ" đã dùng nốt số máu còn lại của những người biểu tình để vẽ tranh và khẩu hiệu chính trị trên vải trắng, treo xung quanh Pháo đài cổ Mahakan.

Cũng trong ngày 22/3, Phó Thủ tướng Thái Lan Suthep Thaugsuban cho biết trong cuộc họp nội các hàng tuần vào ngày mai (23/3), chính phủ sẽ xem xét khả năng gia hạn Luật An ninh Nội địa (ISA) thêm một tuần nữa, từ ngày 23-30/3. Tuy nhiên, việc gia hạn này dự kiến sẽ chỉ bó hẹp trong phạm vi ba tỉnh, trong đó có Bangkok, thay vì 8 tỉnh thành như hiện nay.

Truyền thông Thái Lan trước đó đưa tin ông Veera Musikapong, một thủ lĩnh khác của UDD đã đồng ý tiến hành cuộc thương lượng vào trưa 22/3 song với điều kiện "chỉ đàm phán trực tiếp với Thủ tướng Abhisit Vejjajiva".

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Abhisit, tham gia các cuộc thương lượng này sẽ có hai quan chức chính phủ và thành viên cấp cao của lực lượng "áo đỏ", thảo luận về kế hoạch khung cho các cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột chính trị hiện nay.

Với việc cả hai bên đều tỏ ra không muốn nhượng bộ, triển vọng đạt được một thỏa hiệp mau lẹ là hết sức mong manh. Giới phân tích cho rằng cả hai bên sẽ không có gì để mang ra bàn thương lượng.

Nhà chính trị học Somjai Phagaphasvivat thuộc Trường Đại học Thammasat cho rằng "chẳng có gì để thương lượng". Còn tờ "Le Figaro" (Pháp) thì nhận định phe "áo đỏ" đang lâm vào ngõ cụt.

Theo báo này, phong trào thân "cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra" bề ngoài rất năng nổ, tạo cảm giác rằng họ đang hành động theo một kế hoạch rõ ràng. Tuy nhiên, đó chỉ là chiến thuật của phe này, còn trên thực tế họ đang lâm vào bế tắc. "Le Figaro" cho rằng phe "áo đỏ" mặc dù vẫn tỏ ra hồ hởi trước những lời phát biểu hùng hồn của giới lãnh đạo UDD, nhưng vẫn hoài nghi về cách thức lật đổ chính phủ.

Theo tờ báo, rất ít khả năng Thủ tướng Abhisit từ chức dưới "sức ép của đường phố".

Đánh giá về những khía cạnh tích cực, tạp chí "Nhà kinh tế" (The Economist) của Anh liệt kê một số yếu tố như ở Thái Lan hiện vẫn chưa xảy ra bạo lực, phe ủng hộ chính quyền chưa "xuất đầu lộ diện" trong khi Thị trường chứng khoán Bangkok vẫn tăng điểm.

Ngoài nguy cơ bất ổn an ninh thường trực, các cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" trong những ngày qua đã làm nảy sinh nhiều phản ứng trái chiều trong đông đảo người dân xứ sở Chùa Vàng. Phần lớn người dân ở đây đều cảm thấy chán nản với các cuộc biểu tình triền miên của cả hai phe ủng hộ và chống đối cựu Thủ tướng Thaksin vì những tác động tiêu cực của nó tới sự ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của Thái Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục