Bình Thuận: Hỗ trợ hơn 26.000 lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch

Tính đến ngày 4/11, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt hỗ trợ 39,6 tỷ đồng cho hơn 26.400 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác.
Bình Thuận: Hỗ trợ hơn 26.000 lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch ảnh 1(Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Nhằm kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉnh Bình Thuận đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ- CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, để triển khai chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh theo các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp các sở, ngành có liên quan và các huyện, thị xã, thành phố thực hiện.

Đến nay, việc chi trả hỗ trợ cho người lao động ở các địa phương trong thời gian qua đều đảm bảo đến tay người lao động và chưa phát hiện có trường hợp nào tiêu cực hoặc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Tính đến ngày 4/11, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 39,6 tỷ đồng cho hơn 26.400 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và đối tượng đặc thù khác theo Nghị quyết số 68/NQ- CP của Chính phủ.

Hiện còn hơn 8.000 hồ sơ hỗ trợ đang hoàn tất thủ tục trình phê duyệt hỗ trợ. Bình Thuận cũng đã phê duyệt hỗ trợ 7.295 lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương của 298 doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho 1.839 hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh với số tiền 6,3 tỷ đồng.

[Bình Định hỗ trợ kịp thời cho lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19]

Bình Thuận đang thực hiện chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đến nay Bảo hiểm xã hội tỉnh và Bảo hiểm xã hội các huyện, thị xã đã hoàn thành việc giảm mức đóng xuống bằng 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 3.188 đơn vị, doanh nghiệp với 86.400 lao động thuộc diện giảm đóng từ ngày 1/7/2021 đến ngày 30/6/2022 (12 tháng), với tổng số tiền giảm đóng gần 28 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và địa phương đẩy nhanh việc rà soát đối tượng lao động tự do và đối tượng lao động đặc thù khác đang gặp khó khăn do dịch bệnh để bổ sung hỗ trợ, tránh bỏ sót đối tượng.

Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị quyết 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là các quy định thủ tục thực hiện các chính sách hỗ trợ bằng những hình thức phù hợp, đảm bảo thông tin chính sách hỗ trợ đến các đối tượng thụ hưởng được nắm, hiểu và thực hiện đầy đủ các chính sách. Các địa phương cần khẩn tương rà soát chi trả cho người thụ hưởng ngay khi tỉnh có quyết định phê duyệt hỗ trợ.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập các đoàn kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan thuộc thẩm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục