Bồ Đào Nha, Afghanistan nhận lô vắcxin đầu tiên của AstraZeneca

Bồ Đào Nha đã nhận lô vắcxin đầu tiên của hãng AstraZeneca/Oxford gồm 43.200 liều, trong khi Afghanistan cũng đã nhận 500.000 liều vắcxin của hãng dược AstraZeneca từ Ấn Độ.
Lô vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lô vắcxin ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bồ Đào Nha đã nhận lô vắcxin đầu tiên của hãng AstraZeneca/Oxford gồm 43.200 liều.

Đây là đợt vắcxin thứ 3 được chuyển đến nước này, trước đó đã có 387.270 liều của hãng Pfizer/BioNTech và 19.200 liều của hãng Moderna.

Theo thông tin từ Chính phủ Bồ Đào Nha, vẫn còn 2 đợt chuyển vắcxin của Moderna và 3 đợt của Pfizer dự kiến giao trong tháng 2, bên cạnh đợt chuyển thứ 2 của hãng AstraZeneca. Bồ Đào Nha hy vọng nhận tổng cộng 3,2 triệu liều vắcxin trong nửa đầu năm 2021.

Ngày 29/1 vừa qua, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã phê chuẩn sử dụng vắcxin của AstraZeneca/Oxford cho người từ 18 tuổi trở lên. Nhưng một số nước châu Âu như Bỉ, Phần Lan và Thụy Điển không khuyến cáo sử dụng vắcxin này ở người cao tuổi.

[Nam Phi tạm dừng tiêm chủng vắcxin của hãng AstraZeneca]

Trong khi đó, ngày 7/2, Afghanistan đã nhận 500.000 liều vắcxin của hãng dược AstraZeneca từ Ấn Độ. Đây là lô vắcxin đầu tiên quốc gia Tây Nam Á này nhận được sau khi hứng chịu tác động mạnh mẽ của dịch bệnh vào năm ngoái.

Vắcxin của hãng AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford phát triển hiện đang được Viện Serum Ấn Độ (SII) sản xuất. Việc vận chuyển vắcxin tới Kabul là một phần trong chương trình phân phối vắcxin cho các nước láng giềng của New Delhi.

Phát biểu với phóng viên tại sân bay Kabul, quyền Bộ trưởng Y tế Afghanistan Wahid Majrooh cho biết các liều vắcxin ban đầu sẽ được phân phối cho các nhân viên y tế và công dân lớn tuổi với tiền sử bệnh nền theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo ông Majrooh, Kabul dự kiến chủng ngừa cho 60% dân số. Ngoài ra, Afghanistan đang làm việc với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và EU để có được thêm vắcxin.

Cùng ngày, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo tính đến sáng 7/2 đã tiêm 41.210.937 liều vắcxin cho người dân và phân phối 59.307.800 liều về các địa phương. Nước này đang sử dụng vắcxin của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech.

Bồ Đào Nha, Afghanistan nhận lô vắcxin đầu tiên của AstraZeneca ảnh 1(Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, theo Reuters, Australia ngày 8/2 đã trấn an người dân về tính hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca sau khi Nam Phi tạm dừng sử dụng vắcxin của hãng dược này trong chương trình tiêm chủng do dữ liệu cho thấy vắcxin chỉ có hiệu quả tối thiểu đối với các trường hợp nhẹ và trung bình mắc biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho rằng vắcxin AstraZeneca có hiệu quả theo mục tiêu cơ bản của nó.

Ông nói: “Hiện chưa có bằng nào cho thấy việc giảm hiệu quả của vắcxin AstraZeneca hay Pfizer trong phòng bệnh nặng và tử vong. Đó là nhiệm vụ cơ bản: bảo vệ sức khỏe.”

Australia dự kiến sẽ phê chuẩn vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca trong vài ngày nữa. Nước này đã phê chuẩn vắcxin của Pfizer hồi tháng trước và lên kế hoạch sử dụng vắcxin này trong chương trình tiêm chủng bắt đầu từ cuối tháng 2 này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục