Ngày 18/10, Hội đồng Bộ trưởng Bồ Đào Nha đã thông qua một quyết định cấm các cơ quan nhà nước sử dụng các vật dụng nhựa gồm chai, bát đĩa và túi đựng.
Tại một cuộc họp, Bộ trưởng Hiện đại hóa hành chính và tổng thống Maria Manuel Leitao Marques thông báo Hội đồng Bộ trưởng đã thông qua quyết định, trong đó vạch ra các biện pháp nhằm giảm tiêu thụ giấy, vật liệu in ấn và các sản phẩm nhựa tại các cơ quan hành chính nhà nước.
Theo đó, quy định trên cấm sử dụng những vật dụng bằng nhựa gồm chai, bát đĩa và túi đựng, trong khi khuyến khích dùng các nguyên liệu thay thế phù hợp với hướng dẫn về mua sắm công.
Quy định trên cũng đề ra mục tiêu giảm 25% lượng tiêu thụ giấy và nguyên liệu có thể tiêu hủy trong vòng một năm.
Cùng với Bồ Đào Nha, hiện nhiều nước trên thế giới đã có những bước đi mạnh mẽ nhằm giảm lượng rác thải nhựa khổng lồ như cấm sử dụng túi nilon dùng 1 lần, đánh thuế đồ nhựa,... song song với các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân và đầu tư vào nghiên cứu các phương pháp xử lý rác thải nhựa.
[Việt Nam đối mặt thảm họa "ô nhiễm trắng" từ chất thải nhựa và nilon]
Gần đây, cộng đồng quốc tế đã quan tâm hơn tới các vấn đề môi trường liên quan đến các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần.
Năm 2017, Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết không có tính chất bắt buộc yêu cầu ngăn để rác thải nhựa bị vứt ra các đại dương.
Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2050, trên thế giới sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất và một phần lớn trong số đó sẽ kết thúc ở các đại dương - nơi mà chúng sẽ "trôi nổi" trong nhiều thế kỷ.
Như vậy, theo một kịch bản xấu nhất mà Ocean Conservancy và Công ty Tư vấn McKinsey dự báo, tới năm 2025, cứ có 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa trên đại dương.
Điều đáng sợ là khi đã lọt ra biển, rác thải nhựa có thể cần tới hơn 400 năm để phân hủy. Khi đó, rác thải nhựa không chỉ gây thiệt hại về môi trường, mà còn gây tổn thất lớn cho cả kinh tế lẫn sức khỏe người dân.
Các nhà khoa học ước tính, mỗi năm chất thải nhựa đổ ra đại dương có thể bao quanh 4 vòng Trái Đất, và nó có thể tồn tại 1.000 năm trước khi tiêu hủy hoàn toàn./.