Bộ GTVT khẳng định: "Không có việc phí chồng phí"

Bộ GTVT khẳng định, phí hạn chế xe và bảo trì đường bộ hoàn toàn khác nhau về mục tiêu, đối tượng thu… Không có việc phí trùng phí.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thu hai loại phí lưu hành phương tiện cá nhân và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm cùng với phí bảo trì đường bộ trên cùng một đầu phương tiện. Nhiều ý kiến cho rằng, việc thu hai loại phí như vậy sẽ dẫn đến việc phí trùng phí.

Trước ý kiến của Bộ Tư pháp về việc chồng lấn giữa phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ với phí sử dụng đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải khẳng định, hai loại phí này hoàn toàn khác nhau cả về mục tiêu thu và đối tượng thu… Không có việc phí trùng phí.

Khác nhau mục tiêu, đối tượng

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc đơn vị này đề xuất thu phí sử dụng đường bộ là để tạo nguồn quản lý bảo trì đường bộ (đối với đường do Nhà nước đầu tư) và hoàn vốn đầu tư, chỉ quản lý bảo trì (đối với đường đầu tư theo hình thức BOT).

Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông; tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống kết cấu  hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông.

Về đối tượng, phí sử dụng đường bộ thu với tất cả phương tiện giao thông cơ giới đường bộ bao gồm xe ôtô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy... Trong khi đó, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ chỉ nhắm vào một số đối tượng trong số đó.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ hạn chế đáng kể việc phát triển số lượng phương tiện cá nhân đường bộ và việc ôtô đi vào trung tâm thành phố trong các giờ cao điểm. Đây cũng là cách khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố đồng thời tạo nguồn chi đầu tư nâng cao năng lực của hạ tầng giao thông đường bộ và đầu tư cho các công trình đảm bảo an toàn giao thông. Khi đó, người dân sẽ được hưởng lợi (tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, hao mòn phương tiện khi tham gia giao thông) do lưu thông thông thoáng hơn.

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, Quỹ Bảo trì đường bộ là tổ chức tài chính của Nhà nước, quản lý theo quy định của Luật Ngân sách, thực hiện chế độ lập dự toán, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán theo quy định hiện hành. Quỹ chỉ được sử dụng vào mục đích bảo trì đường bộ, gồm có: Công tác quản lý đường bộ; Sửa chữa thường xuyên; Sửa chữa định kỳ: sửa chữa vừa, sửa chữa lớn; Sửa chữa đột xuất: khắc phục bão lũ, sửa chữa các hư hỏng đột xuất, khắc phục các điểm đen về tai nạn giao thông.

Bàn về tính pháp lý của các loại phí, Bộ Giao thông Vận tải lý giải, phí sử dụng đường bộ là loại phí đã có trong danh mục phí, lệ phí và đang thực hiện trong khi phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là một loại phí mới phải bổ sung mới tổ chức thực hiện được.

Xe taxi, du lịch vẫn đóng phí


Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải loại trừ thu phí hạn chế phương tiện đối với xe của doanh nghiệp như taxi, xe chở khách du lịch...

Cùng với đó, các doanh nghiệp vận tải cũng có ý kiến về việc xem xét đưa taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng và làm rõ khái niệm tách biệt giữa xe cá nhân - xe kinh doanh để không cào bằng và đánh đồng chung mức phí.

Lý giải về vấn đề này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, một số phương tiện về bản chất là xe cá nhân nhưng theo hình thức lại thuộc sở hữu doanh nghiệp, tổ chức. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đưa các loại xe này vào diện chịu phí hạn chế phương tiện.

Cụ thể, đối tượng thu phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vẫn sẽ là xe ôtô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công (xe cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an) và xe buýt.

Theo Bộ Giao thông Vận tải đến 31/10/2011 có 612.691 xe chịu tác động của phí hạn chế phương tiện cá nhân, tương ứng với chủ phương tiện chiếm 0,77% dân số cả nước. Các xe này phần lớn sử dụng cho mục đích cá nhân, tuy một số xe hoạt động vận tải taxi nhưng khối lượng vận chuyển không lớn. Do vậy, về cơ bản không ảnh hưởng đến giá cả thị trường, giá thành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bộ Giao thông Vận tải cũng tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính lùi thời hạn thu phí với xe môtô ít nhất sau 6 tháng so với ôtô.

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, phí hạn chế phương tiện cũng sẽ tạo nên tác động tiêu cực là một số cá nhân phải chịu thêm các khoản phí.

Bộ Giao thông Vận tải nhận định, với mức phí đề xuất nêu trên sẽ có một bộ phận người dân mặc dù đủ khả năng mua được ôtô cá nhân nhưng không chịu nổi mức phí phải đóng hàng năm, khi đó họ sẽ phải lựa chọn loại phương tiện khác để thay thế. Do vậy, hoàn toàn có tính khả thi trong việc kiềm chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân tham gia giao thông đường bộ.

Đánh giá tác động của việc thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ôtô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc thu phí sẽ làm chi phí cho việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, lưu thông vào trung tâm thành phố giờ cao điểm tăng lên, không kinh tế so với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng; từ đó tạo hiệu ứng tốt cho việc giảm lượng phương tiện cá nhân, tăng việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng và giảm ùn tắc giao thông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục