Bộ GTVT tập trung rà soát báo cáo Thủ tướng quy hoạch cảng hàng không

Bộ Giao thông Vận tải sẽ rà soát, hoàn thiện trình Chính phủ quy hoạch cảng hàng không, sân bay và quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cảng hàng không Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Vụ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với cơ quan của Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành rà soát báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt đề án phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 của Bộ Giao thông Vận tải chiều 24/10, Bộ trưởng Thắng chỉ đạo Vụ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam hoàn thiện trình Chính phủ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, Vụ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tiếp thu giải trình và xin ý kiến Hội đồng thẩm định Quốc gia hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam; hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư với các dự án nhóm A, B, C còn lại.

Về công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tập trung với trách nhiệm cao nhất, hoàn thành các thủ tục và điều kiện cần thiết để khởi công nhà ga hành khách, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ của cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất năm 2022.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị nêu trên phải hoàn thành thông xe kỹ thuật và hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 (gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo- Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây).

Khẳng định các đơn vị trong ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giải ngân các dự án đầu tư công, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải đánh giá tiến độ so mặt bằng chung là tương đối tốt nhưng hơn hai tháng còn lại, việc giải ngân hơn 20.000 tỷ đồng không phải đơn giản, phải rất quyết liệt.

[Bộ GTVT cần giải ngân tiếp khoảng 20.194 tỷ đồng vốn đầu tư công]

Song song đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam phối hợp với các cục, vụ liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp xử lý dứt điểm tồn tại các dự án BOT để báo cáo Quốc hội trong thời gian tới đồng thời lưu ý những lý lẽ đưa ra phải đủ sức thuyết phục.

Đối với công tác quản lý vận tải, kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông, phòng chống bão lụt, Cục Đường bộ Việt Nam chủ động phương án vật tư dự phòng để triển khai nhanh nhất công tác khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; phối hợp với các lực lượng Bộ Công an, địa phương điều tiết, bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, triển khai có hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe.

Bộ trưởng cũng giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thường xuyên theo dõi, đôn đốc kịp thời, báo cáo lãnh đạo Bộ tăng cường thực hiện công tác quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng kế hoạch bảo trì năm 2023 và đảm bảo hiệu quả chất lượng bảo trì và hiệu quả vốn bảo trì.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung tham mưu lãnh đạo Bộ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu, giải trình toàn diện, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các văn bản quy phạm pháp luật, đề án đã trình./.

Tính đến hết tháng 10/2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải ngân khoảng30.134 tỷ đồng, đạt 59,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao (gồm 2.991/4.877 tỷ đồng vốn ODA, đạt 61,3% và 27.143/45.451 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 59,7% kế hoạch).

Kết quả giải ngân hết tháng 10/2022 vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan Trung ương và bình quân chung cả nước (Bộ Tài chính dự kiến cả nước giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 10 khoảng 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao), nhưng chậm so với kế hoạch đã đề ra khoảng 655 tỷ đồng và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (66,1).

Từ nay tới cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.194 tỷ đồng (chiếm 40,1%).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục