Bộ GTVT 'thúc' lắp camera trên xe, doanh nghiệp tiếp tục xin lùi

Đến nay, hạn chót cho việc lắp đặt camera giám sát trong xe kinh doanh vận tải đã cận kề, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thực hiện quy định và ngóng chờ lùi thời hạn.
Camera lắp trong xe kinh doanh vận tải sẽ giám sát được trạng thái của lái xe. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Camera lắp trong xe kinh doanh vận tải sẽ giám sát được trạng thái của lái xe. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo quy định tại Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô (có hiệu lực thi hành từ 1/4/2020), trước ngày 1/7/2021, xe chở khách trên 9 chỗ và xe đầu kéo bắt buộc phải lắp camera giám sát trong xe.

Như vậy chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến thời hạn trên, song dù Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn “đốc thúc” việc lắp đặt đúng thời hạn, nhưng các Hiệp hội vận tải và doanh nghiệp nhiều lần có kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải xin lùi thời hạn lắp camera.

Liên tục xin trì hoãn

Khẳng định chủ trương lắp camera hành trình là đúng và các hiệp hội và doanh nghiệp vận tải đều đồng tình song ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng, cho biết doanh nghiệp phải chi phí rất lớn để lắp các camera giám sát theo đúng lộ trình của Bộ Giao thông Vận tải quy định vào ngày 1/7 tới đây. Điều này đã khiến khó khăn thêm chồng chất giữa đại dịch COVID-19.

“Do đó, các đơn vị vận tải kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước lùi thời hạn lắp đặt và triển khai để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại,” ông Hải đề xuất.

Với số xe chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 20% và còn lại là “đắp chiếu,” ông Nguyễn Tuấn Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải Hiền Phước, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho lùi thời gian lắp camera trên xe khách để các doanh nghiệp khi phục hồi kinh doanh hòa vốn sẽ triển khai theo đúng quy định.

Đầu tháng Sáu này, Hiệp hội vận tải Hải Phòng và Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cũng có văn bản đề nghị Chính phủ gia hạn thời gian thực hiện lắp camera để Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị kỹ hơn về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời điểm thực hiện cho khả thi do việc trang bị, lắp camera nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ.

[Doanh nghiệp vận tải nêu hàng loạt lý do xin hoãn lắp camera giám sát]

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cho biết các đơn vị trong ngành vận tải đang có kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải cho phép lùi thời hạn lắp camera đến cuối tháng 7/2023 để khâu chuẩn bị kỹ càng và đạt hiệu quả.

Hiện trên thị trường, giá thiết bị lắp camera góc rộng lắp cho mọi loại xe dao động khoảng 4-5,5 triệu đồng đã bao gồm trọn gói simcard và máy chủ đầu năm. Các năm tiếp theo, đơn vị chỉ cần trả trọn gói 100.000 đồng/tháng cho mỗi xe để duy trì phí dịch vụ đường truyền và máy chủ. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải yêu cầu bổ sung các tính năng riêng như lắp thêm mắt camera, lắp cảm biến đo nhiên liệu, sử dụng ổ cứng lưu trữ... giá thành thiết bị sẽ nhích lên khoảng 6-7 triệu đồng/thiết bị.

Đề cập đến các băn khoăn của đơn vị vận tải trong việc lựa chọn thiết bị do chưa có quy chuẩn, tính bảo mật, chất lượng hình ảnh của camera, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay camera sẽ không có quy chuẩn bởi thiết bị này đã theo chuẩn quốc tế. Tổng cục Đường bộ chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra đảm bảo giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra, cơ quan này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận.

Sớm muộn cũng phải lắp đặt theo quy định

Cũng phải nhấn mạnh lợi ích khi lắp camera, đó là doanh nghiệp và cơ quan chức năng giám sát được trạng thái của lái xe như nghe điện thoại, mất tập trung và các hành vi mất an toàn giao thông khác. Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay, camera là giải pháp hữu hiệu để phòng chống dịch từ xa, nhắc nhở từ lái xe, hành khách tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang sẽ góp sức cùng xã hội đẩy lùi đại dịch. Có camera cũng rất thuận lợi cho việc truy vết nếu không may trên xe có ca nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19.

Đơn cử vừa qua, có sự hỗ trợ công nghệ, một doanh nghiệp Việt đã cung cấp miễn phí phần mềm kết nối liên thông với camera để tự động phát hiện ngay và cảnh báo cho chủ xe chính xác việc không đeo khẩu trang trên xe để thay sức người.

Lường trước các đơn vị vận tải sẽ chờ sát “giờ G” để triển khai lắp đặt, Bộ Giao thông Vận tải đã có nhiều công văn tuyên truyền, “đốc thúc” doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh chấp hành lắp đặt đúng thời hạn. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp cung ứng camera đã nhập vật tư hàng hóa để cung cấp. Nếu lùi thời hạn lắp đặt, các doanh nghiệp cung ứng camera kiệt quệ hoặc phá sản, gây lãng phí xã hội nghiêm trọng.

Bộ GTVT 'thúc' lắp camera trên xe, doanh nghiệp tiếp tục xin lùi ảnh 1Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa thực hiện quy định bắt buộc phải lắp camera trước ngày 1/7 tới và vẫn đang ngóng chờ lùi thời hạn lắp đặt. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Văn Chiến-Giám đốc Công ty Cổ phần HC, cho hay nhiều doanh nghiệp tìm hiểu và đã chuẩn bị kinh phí lắp camera nhưng vẫn ở trạng thái "nghe nghóng" quyết định của cơ quan quản lý nhà nước trước động thái đề xuất lùi thời hạn của doanh nghiệp.

Theo ông Chiến, lùi thời hạn gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải nhưng cũng đẩy nhiều doanh nghiệp cung ứng thiết bị camera đến bờ vực phá sản vì họ đã sản xuất và nhập số lượng lớn thiết bị vật tư hàng hoá.

[Bộ GTVT không lùi thời hạn lắp camera trên xe kinh doanh vận tải]

Không ít doanh nghiệp cho rằng nên chăng chỉ lắp những xe lưu thông trên đường, lùi thời hạn lắp xe ngừng hoạt động do dịch. Điều này sẽ đảm bảo được các yêu cầu như lắp đúng thời hạn, giảm gánh nặng cho đơn vị vận tải và nhà cung cấp camera đồng thời chung sức đẩy lùi dịch COVID-19 khi dễ dàng kiểm soát người không đeo khẩu trang trên xe, truy vết và dập dịch nhanh chóng.

Mặt khác, những xe kinh doanh vận tải đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 10-20% thì chi phí đầu tư sẽ thấp. Giả sử một doanh nghiệp có 100 xe, do dịch có 10 xe hoạt động, thì trước 1/7/2021 doanh nghiệp chỉ phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng thay vì 500 triệu đồng nên khá "dễ thở."

Hơn nữa, những nhà cung ứng camera tuy bị ảnh hưởng rất lớn vì hàng hóa chậm lưu thông nhưng ít nhất vẫn có thể cầm cự được để chờ đợi đơn vị vận tải lắp đặt trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục