Bộ trưởng Công Thương nêu giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu

Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83 và 95 về quản lý xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật của thị trường và tiệm cận giá thế giới.
Bộ trưởng Công Thương nêu giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. (Ảnh minh họa: Đức Duy/Vietnam+)

Với nhiều giải pháp đồng bộ, nguồn cung xăng dầu trong nước đã cơ bản được đảm bảo trong 6 tháng đầu năm, song tại cuộc họp Chính phủ với địa phương ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất nhiều giải pháp để chủ động trong các tình huống, đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, giải pháp đầu tiên là thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng Quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

[Bảo đảm đủ điện và xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng]

Cùng với đó, tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ (đặc biệt trong thời gian Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động trong 55 ngày để bảo dưỡng, từ ngày 25/8/2023); đồng thời, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu tại các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

Các cơ quan chức năng chỉ đạo PVN đôn đốc, giám sát các nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường.

Bộ trưởng Công Thương nêu giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu ảnh 2Nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo trong 6 tháng đầu năm 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Song song đó, chỉ đạo doanh nghiệp đầu mối chủ động tính toán sản lượng xăng dầu thiếu hụt từ nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn trong giai đoạn bảo dưỡng để xây dựng kế hoạch tạo nguồn cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối và thị trường, không được để xảy ra tình trạng gián đoạn, đứt gãy nguồn cung.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế,” ông Diên cho hay.

Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng nguồn cung xăng dầu từ 2 nguồn nhập khẩu và sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 đạt 9,779 triệu m3/tấn (nhập khẩu chiếm 42,64%, sản xuất trong nước chiếm 52,36%) cùng với lượng tồn kho khoảng 1,577 triệu tấn/m3, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, phục vụ sản xuất của người dân và doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước.

Hiện Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 83 và Nghị định 95 về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng tuân thủ quy luật của thị trường và tiệp cận giá với thị trường thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục