Bộ trưởng Đam: Nâng trần bội chi không gây lạm phát

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đề xuất nâng mức bội chi lên 5,3% GDP sẽ không gây lạm phát vì không in thêm tiền bù vào các khoản chi đó.


Việc Chính Phủ đề xuất với Quốc hội nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP sẽ không gây lạm phát những năm tới, vì khi làm việc này Chính Phủ không in thêm tiền để bù vào các khoản chi đó.

Thông tin trên được Bộ trưởng Vũ Đức Đam đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ do Văn phòng Chính Phủ tổ chức chiều 26/10, tại Hà Nội.

Giải thích rõ hơn, Bộ trưởng Đam cho rằng, các kế hoạch hàng năm về thu chi ngân sách, đầu tư, phát triển kinh tế xã hội, qui hoạch các địa phương... đều được giao cho các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để thẩm định trước khi trình lên phê duyệt, đặc biệt trong kế hoạch 5 năm Chính Phủ và Quốc hội cũng xem xét và thảo luận rất chi tiết.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài Chính, năm 2013 thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.

Trong số này, thu cân đối ngân sách Trung ương hụt 47.200 tỷ đồng và địa phương hụt 16.430 tỷ đồng, điều này dẫn tới việc năm nay chênh lệch thu chi ngân sách sẽ là 195.000 tỷ đồng.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội về việc tăng mức bội chi từ 4,8 lên 5,3% GDP.

"Kế hoạch đầu năm Chính Phủ trình Quốc hội đã thông qua về các chi tiêu cụ thể, nhưng gần cuối năm thu hụt nên Chính Phủ đề nghị nâng bội chi để bù vào kế hoạch đã làm năm ngoái chứ không phải làm những việc ngoài kế hoạch để ảnh hưởng đến lạm phát," Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.

Đề xuất nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP


Về giải pháp, Bộ trưởng Đam cho biết, tinh thần chung của Chính Phủ là triệt để tiết kiệm, đặc biệt việc đầu tư các công trình lớn vẫn phải triển khai, nhưng vốn đó phải sử dụng sao cho tiết kiệm nhất, không dàn trải, kéo dài gây lãng phí.

Dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng cho biết, hiện trên 60% tổng chi ngân sách dành cho chi sự nghiệp, trong đó hơn 1/2 cho lương.

Mặc dù phải cắt giảm chi tiêu, nhưng nhà nước sau khi xem xét, có lộ trình tăng lương ở mức hợp lý, còn lại chi dành cho hệ thống hành chính so với lương là rất thấp, riêng mua xe công từ nhiều năm đã được thắt chặt rất nghiêm ngặt.

"Trong phiên họp thường kỳ hôm nay, Chính phủ ra quyết nghị, trước đây nói nhiều tới tiết kiệm, giảm đi nước ngoài, giảm hội họp. Bây giờ, Chính phủ yêu cầu từng bộ lên rõ kế hoạch cắt những khoản nào, cụ thể bao nhiêu," Bộ trưởng nói.

Liên quan đến việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tại buổi họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho hay, Chính Phủ chỉ đạo điều hành cương quyết thực hiện mạnh mẽ việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trong đó xác định rõ doanh nghiêp Nhà nước chỉ làm ở những lĩnh vực thực sự cần thiết như liên quan đến quốc phòng an ninh, các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác ở thời điểm này chưa thấy hấp dẫn để đầu tư thì doanh nghiệp nhà nước làm để thực hiện các nhiệm vụ chung của xã hội.

Còn cơ chế thoái vốn, Bộ trưởng nhấn mạnh, nguyên tắc phải thoái vốn nhanh nhất theo thị trường, tuy nhiên tài sản là của Nhà nước, của nhân dân, không thể bán đổ, bán tháo cùng một lúc mà phải có lộ trình.

"Ngoài ngành nghề kinh doanh chính theo lĩnh vực được phân công, thì thực hiện kiên quyết thoái vốn nhất là lĩnh vực bất động sản, đầu tư vào chứng khoán...," Bộ trưởng Vũ Đức Đam thông tin thêm./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục