Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tăng trưởng không dựa vào khai thác dầu thô

Qua 8 tháng, tình hình kinh tế xã hội chuyển biến khá tích cực trên mọi lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, CPI vẫn đảm bảo dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tăng trưởng không dựa vào khai thác dầu thô ảnh 1CPI trong tháng 8/2018 tiếp tục giữ ở mức thấp. (Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

Tình hình kinh tế xã hội chuyển biến khá tích cực trên mọi lĩnh vực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, CPI vẫn đảm bảo dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra.

Đây là thông tin được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 30/8, tại Hà Nội.

[Xuất siêu 2,8 tỷ USD, doanh nghiệp nội tăng trưởng cao hơn khối FDI]

CPI được kiểm soát

Dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong 8 tháng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát khi tăng 0,45% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng đầu năm 2018 tăng 3,52% so với cùng kỳ năm 2017 vẫn thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017. Tính chung 8 tháng năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 8,2% của cùng kỳ năm 2017.

Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 13,3%, đóng góp 10,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 0,3%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm mức tăng chung.

Một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 60,8% (sản xuất than cốc tăng 116,4%; sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 59,2%)…

Ngoài ra, một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm là: sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 4,2%; sửa chữa bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị tăng 3,4%; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa và sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic cùng tăng 3,1%...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, trong tháng Tám, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao tiếp tục giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,8 tỷ USD.

Ngoài ra, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 2.860,4 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt trên 10,4 triệu lượt người, tăng 22,8%.

Cũng trong 8 tháng, cả nước có trên 87.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 2,4% về số doanh nghiệp và tăng 6,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng năm nay ước tính đạt 11,25 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng 17% là hợp lý

Theo người phát ngôn Chính phủ, trong chỉ đạo điều hành 8 tháng qua, Thủ tướng luôn nhấn mạnh vấn đề kiểm soát chặt chẽ kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng... đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, không lấy tăng sản lượng dầu thô, tín dụng để tăng trưởng kinh tế.

Dẫn chứng thêm, Bộ trưởng nói, khai thác dầu thô đã giảm dần qua các năm, năm 2015 khai thác 16,6 triệu tấn, năm 2017 là 13 triệu tấn và dự kiến năm 2018 khoảng 11 triệu tấn dầu thô. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng, năm nay cũng sẽ chỉ tăng 17%, thấp hơn khoảng 1% so với năm 2017.

"Tăng trưởng không dựa vào tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn phải đảm bảo vốn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định lãi suất vay," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, giá các dịch vụ y tế, giáo dục... cũng được điều hành để cân nhắc thời điểm tăng, không để ảnh hưởng tới vĩ mô. Bộ trưởng cũng khẳng định một lần nữa quan điểm Chính phủ sẽ không điều chỉnh giá điện trong năm nay.

Làm rõ thêm vấn đề trên, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trong 8 tháng tăng trưởng kinh tế đang khả quan, kiểm soát lạm phát dù vẫn dưới 4% nhưng vẫn cần cảnh giác từ nay tới cuối năm. Do đó điều hành chỉ số tăng trưởng tín dụng khoảng 17% có thể "thấp hoặc cao hơn tuỳ theo yêu cầu nền kinh tế".

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến 30/8, tăng trưởng tín dụng đạt hơn 8%, chiếm 50% so với kế hoạch ban đầu. Do vậy, theo ông Tú, chỉ tiêu 17% là vừa đảm bảo cho tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, riêng vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi đã có kế hoạch và các ngân hàng luôn đảm bảo vốn cho các dự án này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục