Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế Xã hội tiếp tục phục hồi tích cực

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, qua 10 tháng, thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất 163,8 nghìn tỷ đồng
Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế Xã hội tiếp tục phục hồi tích cực ảnh 1Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 4/11. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Thông tin tại phiên Họp báo chiều 4/11, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã thông tin nhiều kết quả nổi bật về kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng vừa qua, với điểm nhấn là tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước và đạt kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 5,5%

Theo Bộ trưởng, trong 10 tháng, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách được kiểm soát tốt.

“Lạm phát trong nước được kiểm soát trong bối cảnh lạm phát thế giới neo ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%), tạo dư địa cho các chính sách tiền tệ, tài khóa thúc đẩy tăng trưởng và điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý,” Bộ trưởng nói.

[Nhiều mặt hàng chủ lực tăng tốc, xuất khẩu tháng 10 hồi phục trở lại]

Hơn nữa, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, trong đó, cả nước xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 34,9% về giá trị so với cùng kỳ.

Về thu ngân sách, qua 10 tháng đạt gần 1,4 triệu tỷ đồng, bằng 86,3% dự toán, trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất 163,8 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 57,3 nghìn tỷ đồng).

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế Xã hội tiếp tục phục hồi tích cực ảnh 2Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin các kết quả nổi bật về kinh tế-xã hôi 10 tháng năm 2023. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt gần 402 nghìn tỷ đồng, bằng 56,74% kế hoạch, tăng 5,5% so với cùng kỳ, số tuyệt đối tăng khoảng 104 nghìn tỷ đồng.

Với nhiều điểm nhấn, tổng vốn FDI đăng ký đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ; tổng vốn FDI 10 tháng đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%.

Ông Sơn cho hay, nhiều công ty, tập đoàn lớn, công nghệ cao đến Việt Nam và cam kết đầu tư. Trong tháng 10 đã ký hợp đồng triển khai Chuỗi dự án khí điện Lô B với quy mô đầu tư 12 tỷ USD.

Ngoài ra, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tính chung 10 tháng có 183,6 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (cao hơn so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 146,6 nghìn doanh nghiệp).

Phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023

Theo Bộ trưởng, quan điểm chỉ đạo điều hành của Chỉnh phủ là tranh thủ thời cơ, thuận lợi, chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả; nỗ lực phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, tạo đà thuận lợi cho năm 2024.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng. Tăng khả năng tiếp cận và ưu tiên tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Chủ động triển khai chương trình bình ổn thị trường, giá cả, nhất là trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán.

Để tạo lực đẩy cho nền kinh tế, Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, các ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng (điện, xăng dầu). Rà soát, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn: Kinh tế Xã hội tiếp tục phục hồi tích cực ảnh 3Thương mại của Việt Nam đạt xuất siêu kỷ lục trong 10 tháng. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

“Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi về miễn, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…,” Bộ trưởng cho hay.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, nhất là trong dịp Tết theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Chuẩn bị tốt các mặt hàng thiết yếu, nhất là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục