Bộ Y tế Nhật Bản thanh tra một nhà máy của hãng dược phẩm Kobayashi

Một nhà máy của Công ty Dược phẩm Kobayashi ở Osaka, Nhật Bản, đã bị kiểm tra sau các báo cáo về trường hợp tử vong và nhập viện có thể liên quan đến sản phẩm của hãng có bổ sung men gạo đỏ.

Nhà máy của Công ty Dược phẩm Kobayashi tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Nhà máy của Công ty Dược phẩm Kobayashi tại Osaka, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 30/3, Bộ Y tế Nhật Bản và chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra một nhà máy của Công ty Dược phẩm Kobayashi ở Osaka sau các báo cáo về trường hợp tử vong và nhập viện có thể liên quan đến sản phẩm của hãng có bổ sung men gạo đỏ.

Nhà máy ở miền Tây Nhật Bản, nơi sản xuất thành phần của sản phẩm bổ sung trên, đã đóng cửa vào tháng 12.

Tuy nhiên, Bộ trên và chính quyền địa phương đã quyết định tiến hành kiểm tra ngay tại cơ sở này trong bối cảnh lo ngại về các vấn đề sức khỏe ngày càng gia tăng liên quan đến các sản phẩm của công ty Kobayashi có trụ sở tại Osaka có chứa men gạo đỏ beni-koji.

Cho đến nay, Kobayashi đã báo cáo tổng cộng 5 trường hợp tử vong và hơn 110 người nhập viện nghi liên quan đến sản phẩm bổ sung men gạo đỏ.

Khoảng 680 người đã được tiếp nhận hoặc mong muốn điều trị ngoại trú vì các triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến sản phẩm bổ sung men gạo đỏ của công ty.

Tại cuộc họp báo ngày 29/3, Kobayashi cho biết cuộc kiểm tra của công ty đã tìm thấy puberulic acid trong các sản phẩm gạo men đỏ, một hợp chất tự nhiên được sinh ra từ nấm mốc xanh mà công ty trước đó không dự đoán xuất hiện trong sản phẩm của mình. Công ty này cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu chất này có liên quan đến các vấn đề về sức khỏe của người dùng hay không.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, puberulic acid là một chất kháng khuẩn và chống sốt rét mạnh, có thể gây độc.

Những lo ngại về sản phẩm bổ sung men gạo đỏ đã xuất hiện vào tuần trước, khi Kobayashi ban đầu thông báo rằng 13 người dùng sản phẩm này đã gặp các vấn đề sức khỏe như bệnh thận.

Với tư cách là nhà cung cấp men gạo đỏ làm nguyên liệu thực phẩm, Kobayashi cũng đã yêu cầu các công ty tự nguyện thu hồi các sản phẩm đã sử dụng men gạo đỏ của mình, do sự cố này ảnh hưởng đến nhiều loại sản phẩm bao gồm rượu sake, bánh kẹo, bánh mì và miso.

Men gạo đỏ beni-koji vốn được sử dụng để tạo màu và tạo hương vị. Ở Đông Á, men gạo đỏ được quảng cáo là mang lại lợi ích cho sức khỏe và được sử dụng trong các mặt hàng như rượu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục