Hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ mới đây đã phát hiện ra các lỗi kỹ thuật trên phần thân một số máy bay thuộc dòng 787 đường dài của hãng.
Đây là diễn biến bất lợi mới nhất mà Boeing gặp phải, giữa lúc dòng 737 Max vẫn bị cấm bay sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến dòng máy bay này hồi năm 2018 và 2019.
Trong thông báo mới nhất, Boeing cho hay họ đã phát hiện hai vấn đề ở phần thân phía đuôi của một số chiếc 787, đồng nghĩa với việc những chiếc máy bay này không đáp ứng các tiêu chuẩn thiết kế.
Hãng cho biết thêm họ đã thông báo cho Cục Hàng không Liên bang và đang cố gắng xác định nguyên nhân của sự cố.
Boeing cho hay 8 chiếc 787 phải được kiểm tra và sửa chữa trước khi chúng được phép bay. Phía Boeing đã liên hệ với các hãng hàng không để loại những máy bay đó khỏi lịch trình hoạt động.
[Boeing tiếp tục gặp khủng hoảng với các đơn đặt hàng máy bay 737 MAX]
Nhà sản xuất máy bay Mỹ này từ chối xác định danh tính các hãng hàng không liên quan. Nhưng United Airlines, Air Canada và Singapore Airlines đều xác nhận rằng mỗi hãng có một máy bay bị buộc phải ngừng khai thác để kiểm tra.
Dòng máy bay 787 Dreamliner của Boeing đã được đưa vào phục vụ từ năm 2011 và trở nên phổ biến với các hãng hàng không chuyên phục vụ các tuyến bay dài nhờ kích thước và hiệu quả sử dụng nhiên liệu của dòng máy bay này. Boeing đã giao gần 1.000 chiếc 787 cho các hãng hàng không trên thế giới.
Năm 2013, khi mới có khoảng 50 chiếc 787 được đưa vào sử dụng, chúng đã bị dừng khai thác trên toàn thế giới trong ba tháng sau khi bộ phận pin trên hai chiếc trở nên quá nóng, bao gồm một chiếc 787 của Japan Airlines.
Các cơ quan quản lý đã cho phép những chiếc 787 trở lại bầu trời sau khi Boeing thiết kế lại vỏ bọc xung quanh pin lithium-ion được sử dụng cho các hệ thống năng lượng phụ trợ, bao gồm hệ thống điện trong buồng lái.
Năm ngoái, Singapore Airlines đã ngừng khai thác hai chiếc 787 của mình sau khi nhận thấy cánh quạt trên một số động cơ Rolls Royce trang bị trên máy bay xuống cấp nhanh hơn dự kiến./.