BOJ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng "cực độ"

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bất chấp sức ép mạnh từ Chính phủ nhằm chấm dứt giảm phát.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 18/2 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0,1% và tiếp tục cam kết duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng “cực độ”, bất chấp sức ép mạnh mẽ từ Chính phủ Nhật Bản nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát.

Trong cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, BOJ đánh giá nền kinh tế Nhật Bản "đang đi lên”, nhờ xuất khẩu và sản xuất tiếp tục tăng cùng sự hỗ trợ của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.

BOJ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản sẽ ở mức “khiêm tốn” cho đến giữa tài khóa 2010, sau đó sẽ tăng mạnh hơn và tình trạng giảm phát sẽ kéo dài đến tài khóa 2011. Do đó, BOJ đã trì hoãn việc áp dụng sáng kiến chính sách mới.

Cuộc họp Ủy ban chính sách của BOJ diễn ra sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Naoto Kan một lần nữa gây sức ép yêu cầu BOJ hành động mạnh hơn để hỗ trợ nền kinh tế.

Phát biểu tại Ủy ban ngân sách Hạ viện, ông Kan nhấn mạnh mong muốn giá hàng hóa tăng khoảng 1% và yêu cầu BOJ hợp tác chặt chẽ với chính phủ để thực hiện điều đó.

Theo chuyên gia kinh tế Maiko Noguchi của Viện nghiên cứu Daiwa, chính phủ muốn BOJ hành động nhiều hơn để hỗ trợ nền kinh tế khi khoản nợ công đang tăng lên của Nhật Bản hạn chế những sự lựa chọn tài chính, nhưng BOJ còn quá ít “phương tiện” để làm được điều này.

Bà Noguchi cho rằng để nới lỏng chính sách tiền tệ, BOJ có thể tăng số tiền hoặc thời gian cho vay theo chương trình tài trợ tạm thời được đưa ra tháng 12/2009. BOJ không muốn đặt ra mục tiêu lạm phát vì tin rằng nếu chỉ dựa vào các biện pháp của họ thì không thể ngăn chặn được tình trạng giảm phát, đồng thời cũng không muốn hứa hẹn điều mà ngân hàng này không thể đạt được.

Theo số liệu Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 15/2, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã tăng 4,6% trong giai đoạn tháng 10-12/2009, là quý thứ ba liên tiếp có tăng trưởng. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy mức giảm kỷ lục 3% trong chỉ số giảm phát GDP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục