Bốn thuyền viên nhảy tàu ở Panama về nước an toàn

Bốn thuyền viên Việt nhảy xuống kênh đào Panama để thoát khỏi sự ngược đãi khi làm việc trên tàu đã về nước và đoàn tụ gia đình.
Đêm 19/8, 4 thuyền viên Việt nhảy xuống kênh đào Panama khi tàu đang từ Đại Tây Dương băng qua kênh đào Panama đã về tới địa phương và đoàn tụ với gia đình.

Hiện tại, sức khỏe cũng như tinh thần của các thuyền viên đã dần ổn định. Theo lời của 4 thuyền viên thì lý do họ phải bất chấp nguy hiểm để nhảy thoát khỏi con tàu mà họ đang làm việc là vì chế độ ăn uống không đảm bảo sức khỏe cũng như công việc mà họ phải làm rất vất vả quá sức chịu đựng.

4 thuyền viên gồm Lê Đức Chinh (22 tuổi), Đào Ngọc Trung (27 tuổi); Trần Văn Dương (21 tuổi); Hồ Thanh Tùng (30 tuổi) đều quê ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Do kinh tế gia đình khó khăn nên cả 4 thuyền viên đã làm thủ tục đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan từ tháng 6 năm 2012 và được làm việc tại một tàu cá tên là Cheng Cheng Shipping. Trên tàu còn có 16 thuyền viên người Philipines, 1 thuyền người Indonesia, 4 người Trung Quốc gồm thuyền trưởng, máy trưởng, máy phó và cai tàu.

Sau khi lên tàu làm việc, các thuyền viên đã vươn khơi 13 tháng lênh đênh trên biển không biết đến đất liền.

Khi về gặp lại những người thân trong gia đình, anh Trần Văn Dương cũng như 3 thuyền viên khác mới nghĩ là mình còn sống vì 4 thuyền viên trước khi xác định nhảy xuống kênh đào Panama để thoát khỏi con tàu là chấp nhận rủi ro giữa cái sống và cái chết.

[Thuyền viên Việt Nam nhảy xuống kênh đào Panama]

Anh Dương cho biết mức lương mà họ được hưởng là quá thấp so với công việc mà họ phải làm hàng ngày, trung bình mỗi tháng các thuyền viên được trả 6,5 triệu đồng và được nhận theo từng quý, chủ tàu trực tiếp gửi tiền về cho công ty môi giới tại Việt Nam và công ty lại gửi về cho gia đình người lao động.

Với thu nhập không cao nhưng công việc hàng ngày của các thuyền viên là rất nặng nhọc vất vả, công việc chính hàng ngày của các thuyền viên phải làm là giăng câu, đánh bắt cá ngừ đại dương và thường phải làm từ 15 đến 18 tiếng/ngày. Có những hôm câu không may bị vướng thì chủ tàu còn bắt các thuyền viên trên tàu làm bù thêm giờ.

Làm việc vất vả nhưng bữa ăn chăm lo sức khỏe của các thuyền viên cũng không được chủ tàu quan tâm mà trái lại bữa ăn của các thuyền viên rất cực khổ và không đảm bảo vệ sinh.

Anh Đào Ngọc Trung, là người được cử làm đầu bếp nấu ăn cho tất cả các anh em trên tàu cho biết hầu như các thuyền viên chỉ được ăn loại cá bé bằng hai ngón tay, mà không phải cá lúc nào cũng tươi ngon mà thường là cá ươn ướp đá trong thời gian khá lâu dành để làm mồi câu cá ngừ.

Nhiều hôm do ăn không được nên các thuyền viên phải tự chế mồi câu và lưỡi câu để câu cá tươi lên ăn. Đặc biệt do đi biển dài ngày, rau xanh không có mà chỉ có nấm khô nên các thuyền viên rất thiếu các chất đạm cần thiết từ rau xanh khiến da của các thuyền viên rất xanh xao.

Chế độ ăn uống không đảm bảo cộng với công việc phải làm hàng ngày quá nặng nhọc nên sức lực của các thuyền viên càng ngày càng cạn kiệt, kết hợp với việc không được lên đất liền khiến tâm lý của các thuyền viên hoang mang và quyết định nhảy xuống kênh Panama để thoát thân.

Thuyền viên Hồ Thành Tùng chia sẻ trước đây ở quê nhà, tôi cũng là một người thường xuyên ra khơi đánh bắt cá và cũng quá hiểu nỗi khổ phải sống dài ngày trên tàu, nhưng chưa bao giờ phải chịu đựng những ngày tháng vất vả như cuộc sống trong 13 tháng vừa qua.

Chế độ ăn uống cùng với công việc là quá sức chịu đựng đối với các thuyền viên, chưa nói đến đồng lương mà các thuyền viên được nhận không xứng đáng với công sức mà anh em bỏ ra.

Ngày trở về gia đình của các thuyền viên là một niềm vui rất lớn cho các người thân trong gia đình. Chị Lô Thị Hằng, vợ của thuyền viên Đào Ngọc Trung chia sẻ nghe tin chồng mình nhảy khỏi tàu để thoát thân, chị và người thân trong gia đình rất lo lắng, nay chồng chị và các anh em đi cùng đã về đoàn tụ với gia đình là một niềm vui khôn xiết.

Tất cả các thuyền viên cũng như những người thân của các thuyền viên đều mong muốn phía công ty môi giới của các thuyền viên sớm giải quyết chế độ cho các thuyền viên cũng như được nhận số tiền lương mà người nhà các thuyền viên vẫn chưa được nhận./.

Tá Chuyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục