Bốn vụ giả Công an để lừa hơn 1,3 tỷ đồng chỉ trong một tháng

Thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho thấy chỉ trong tháng 5/2017, trên địa bàn thành phố đã có bốn trường hợp bị lừa với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, tại tỉnh Kon Tum xuất hiện hiện tượng một số đối tượng gọi điện thoại tới số máy điện thoại bàn tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân thông báo tới người dân rằng họ có liên quan đến đường dây mua bán ma túy lớn, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.

Thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum cho thấy chỉ trong tháng 5/2017, trên địa bàn thành phố đã có bốn trường hợp bị lừa với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

Cụ thể, lúc khoảng 12 giờ ngày 24/5, chị Ngô Thị H. (49 tuổi, trú ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là Đại tá Lê Văn Minh đang làm việc tại Bộ Công an thông báo chị có một số tiền lớn đang gửi tại ngân hàng. Qua điều tra, số tiền này có liên quan đến ma túy và rửa tiền, chị sẽ bị công an bắt khẩn cấp. Nếu chị phối hợp với Công an gửi 100 triệu đồng vào tài khoản Lê Văn Minh tại tỉnh Quảng Ninh sẽ không bị bắt giữ.

Nghe nói đến bị bắt tù, tinh thần hoảng loạn, chị Ngô Thị H. đã vội đến ngân hàng chuyển 100 triệu cho tài khoản Lê Văn Minh, sau đó về nhà gọi điện để thông báo đã chuyển tiền rồi nhưng máy đã bị ngắt không liên lạc được.

Ngày 29/5, chị Nguyễn Thị H. (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) cũng nhận được điện thoại của một phụ nữ tự giới thiệu là cán bộ Phòng Cảnh sát Hình sự Công an thành phố Kon Tum. Theo đơn trình báo của chị H., người này nói chị H. có liên quan tới đường dây rửa tiền và mua bán ma túy xuyên quốc gia. Để chứng minh lời nói của mình, người phụ nữ chuyển điện thoại cho một cán bộ khác tên Trung, tự xưng là Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Kon Tum, yêu cầu chị H. phải chuyển hết tiền trong tài khoản của mình tại Ngân hàng Sacombank vào tài khoản của Nguyễn Thanh Tùng ở Ngân hàng Vietcombank tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi được chứng minh không liên quan đến đường dây ma túy, chị sẽ được trả lại số tiền trên. Sau cuộc điện thoại, vì quá hoang mang, lo sợ nên chị H. không kịp suy nghĩ liền nhanh chóng đến ngân hàng rút rồi chuyển ngay số tiền hơn 1 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau khi chuyển tiền, đến 21 giờ cùng ngày, chị H. mới bình tĩnh trở lại, nhận thấy có điều gì đó không ổn và mang tính chất lừa đảo nên làm đơn trình báo đến cơ quan Công an.

Gần đây nhất, ngày 30/5, chị Trương Thị M. nhận được điện thoại của một giọng nữ tự xưng là nhân viên Viện Kiểm sát tỉnh Kon Tum nói chị có liên quan đến một đối tượng buôn bán ma túy.

Chị M. trả lời không có biết ai buôn bán ma túy và không có liên quan gì đến tội phạm ma túy. Tiếp sau đó, một giọng đàn ông khác tự xưng là Đại tá Công an tỉnh Kon Tum bảo chị M., đây là vụ án nghiêm trọng liên quan đến ma túy, Công an đang bắt ba nhân viên ngân hàng có hành vi bán thông tin của khách hàng cho bọn buôn ma túy để trục lợi. Có thể, chị M. không có liên quan nhưng để đảm bảo uy tín, danh dự và phối hợp điều tra, yêu cầu chị M. chuyển vào tài khoản Nguyễn Thanh Tùng, địa chỉ tại Vĩnh Hoàng, Hà Nội 200 triệu đồng. Khi điều tra xong, chị M. sẽ được nhận lại tiền.

Ngay trong ngày, chị M. đã giấu chồng đến ngân hàng chuyển đúng số tiền mà đối tượng yêu cầu. Sau đó về bình tâm suy nghĩ lại, chị đã nhận ra mình đã bị lừa. Trước đó, chồng chị M. cũng nhận được một cuộc điện thoại với nội dung tương tự nhưng nhờ cảnh giác nên không bị lừa.

Theo Cơ quan điều tra, thủ đoạn của các đối tượng mạo danh lực lượng chức năng rất tinh vi khi dùng Internet thông qua phương thức VOIP (Voice over Internet Protocol - là phương thức truyền thông sử dụng giao thức TCP/IP dựa trên cơ sở kết nối Internet) để gọi điện nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra.

Kịch bản mà nhóm tội phạm dạng này thực hiện phải do một đối tượng chuyên gia về tâm lý tội phạm. Từ cách dàn dựng kịch bản tiếp cận nạn nhân (nhất là phụ nữ), dẫn dắt, cuốn hút vào “mê hồn trận,” rồi tăng dần cường độ tác động tâm lý, nói liên hồi khiến họ rơi vào tình trạng sợ hãi, hoảng loạn, không tỉnh táo, đã làm theo những yêu cầu của bọn chúng. Các đối tượng thường gọi điện qua Internet tới các thuê bao cố định của bị hại trong nước.

Trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi, Trung tá Trần Ngọc Tuấn, Đội trưởng Đội Điều tra tội phạm và trật tự xã hội, Công an thành phố Kon Tum cảnh báo khi có người tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân gọi điện đến hỏi việc, người dân cần hết sức cảnh giác. Cơ quan Công an không bao giờ trao đổi thông tin vụ án qua điện thoại; cần dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu họ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập.

Người dân tuyệt đối không cung cấp số điện thoại riêng, số tài khoản, thẻ tín dụng, thông tin về nhân thân cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì. Cơ quan pháp luật không bao giờ thu thập những thông tin đó qua điện thoại. Mặt khác, cơ quan chức năng khi cần tạm giữ tài sản, tiền phải có quyết định và lập biên bản. Do đó, tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị của đối tượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục