Bosnia & Herzigovina: Chuyện về Cha, con và các thánh thần

Trong số 32 đội tuyển dự World Cup 2014 thì Bosnia & Herzegovina là đội duy nhất chưa từng tham dự các vòng chung kết trước đây.
Bosnia & Herzigovina: Chuyện về Cha, con và các thánh thần ảnh 1Huấn luyện viên Safet Susic phải chịu áp lực khi chọn con trai dự World Cup 2014 (Nguồn: EPA)

Trong số 32 đội tuyển dự World Cup 2014 thì Bosnia & Herzegovina là đội duy nhất chưa từng tham dự các vòng chung kết trước đây. Và rạng sáng mai, đội quân của huấn luyện viên Safet Susic sẽ có màn "chào sân" ở Maracana huyền thoại khi đối đầu với Argentina hùng mạnh.

Từ câu chuyện của cha và con...

Thời điểm Safet Susic công bố danh sách thi đấu chính thức của Bosnia & Herzigovina. Người hâm mộ trong nước bắt đầu đặt một loạt những câu hỏi hoài nghi về sự lựa chọn của ông  này.

Với việc gọi chính con trai Tino-Sven của mình vào danh sách dự World Cup 2014, gia đình Safet đã đi vào lịch sử của giải đấu, cũng giống như các cặp cha con nhà Maldini tại World Cup 1998, hay các cặp Zlatko Kranjcar và Niko Kranjicar của Croatia, Ilija Petkovic và Dusan Petkovic của tuyển Serbia & Montenegro, hai đội tuyển nằm trong Liên bang Nam Tư cũ với Bosnia tại World Cup 2006. 

Tuy vậy dư luận nước này bắt đầu thắc mắc tại sao Anel Hadzic – một trung vệ trẻ, và cũng đầy tiềm năng, tương tự Tino, lại không được gọi.

Mọi chuyện có lẽ sẽ dễ dàng hơn với Susic, nếu Tino không phải là con trai ông. Khi đó, quyết định loại Anel Hadzic cũng chỉ giống như vô vàn các quyết định đã gây tranh cãi của những huấn luyện viên khác. Cũng giống như năm xưa Aragones loại Raul, Daniel Passarella cho Redondo ở nhà,  các quyết định chọn ai – bỏ ai của các huấn luyện viên luôn là những quyết định nhuốm đầy màu sắc cảm tính và sự chủ quan.

Đến đây, người ta cũng nên tự đặt ra một câu hỏi khách quan rằng, giữa Anel Hadzic và Tino Seven, liệu ai sẽ là người Susic biết và hiểu rõ hơn, về cả khía cạnh chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu.

Safet Susic đã có một quyết định dũng cảm, và vì dù sao thì nếu Bosnia thất bại, ông cũng sẽ phải là người chịu trách nhiệm chính, và trả giá cho quyết định đó bằng chính chiếc ghế huấn luyện của mình.

Đến câu chuyện về các “thánh thần”…

Tại một đất nước của rất nhiều vị thánh bảo hộ được người dân tôn sùng (có lẽ một phần nguyên nhân là do quá khứ bất hạnh và lịch sử đầy thương đau của mảnh đất này), thì bóng đá là một đặc ân, và là một món quà vô giá.

Trong lần đầu tiên được tham dự World Cup, với tư cách là một quốc gia độc lập, ắt hẳn những người hâm mộ bóng đá Bosnia & Herzigovina, đều muốn tìm cho mình những vị thần hộ mệnh, bảo trợ cho những thành công của đội tuyển tại đất Brazil.

Đó là Asmir Begovic, chàng thủ môn cao gần hai mét này đã từng có một tuổi thơ khốn khó, là nạn nhân của những cuộc chiến tranh và xung đột tại Liên bang Nam Tư cũ, gia đình anh chuyển tới Canada năm anh lên 5 tuổi. Begovic cũng đã từng là một thành viên của đội tuyển U21 Canada tham dự giải U21 thế giới năm 2007,  trước khi anh quyết định quay lại thi đấu cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình vào năm 2009. Để rồi bây giờ Begovic là một trong những thủ thành xuất sắc và được thèm khát nhất Premier League.

Đó còn là Edin Dzeko, là “Bosanski dijamant” – “viên kim cương” , biệt danh mà người Bosnia đặt cho anh. Đã từng là niềm hy vọng của người dân Bosnia khi chuyển tới Man City với cái giá 42,5 triệu Euro, một kỷ lục của nền bóng đá nước này. Trước khi có quãng thời gian chật vật đi tìm chỗ đứng trong dải thiên hà màu xanh của thành Manchester, để rồi, bằng ý chí của mình, ý chí của người con được sinh trưởng tại một mảnh đất đầy bão táp và bom đạn, anh đã góp công không nhỏ vào những thành công của Man City, đặc biệt là chức vô địch Premier League mùa giải năm nay.

Bosnia & Herzigovina: Chuyện về Cha, con và các thánh thần ảnh 2Edin Dzeko và các đồng đội "tự sướng" trước trận gặp Argentina (Nguồn: Twitter của Dzeko)

Và còn cả “quả táo” Zvjezdan Misimovic (ở Bosnia, quả táo không chỉ là tên gọi của một loại trái cây, nó còn là biểu trưng cho sự kì diệu và huyền ảo), người cựu đội trưởng của đội tuyển Bosnia, người từng được tờ Telegraph trìu mến gọi là “kẻ lãng mạn cuối cùng của bóng đá Bosnia”, với đôi chân ma thuật của mình, anh và người đồng hương Edin Dzeko chính là niềm cảm hứng của một Wolfsburg từng khuynh đảo Bundesliga những năm cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21. Và cho dù có một cuộc đời và một sự nghiệp lận đận, khi lang bạt qua rất nhiều câu lạc bộ, từ đất Đức đến đất Thổ, từ Đông Âu đến Đông Á, Misimovic luôn là linh hồn nơi tuyến giữa của đội tuyển quốc gia Bosnia. 

Bất chấp những tranh cãi, những scandal, như cái cách mà anh đã từng nã thẳng quả bóng vào người một kẻ phân biệt tôn giáo tại Nga (Misimovic là người Hồi giáo, tôn giáo chiếm đa số tại Bosnia), như cái cách anh làm huyền thoại Gheorghe Hagi tức điên lên và đẩy anh rời khỏi Galatasaray bởi phong cách thi đấu tài hoa nhưng cũng không kém phần đủng đỉnh của mình.

Hè này, Misimovic cùng những người đồng đội như Begovic, Edin Zeko, và còn cả Pranjic, Emir Spahic, Vedad Ibisevic nữa, những con người cũng thi đấu hết sức thành công tại châu Âu, mang trong mình sứ mệnh là phải chứng minh cho cả thế giới thấy, Bosnia & Herzigovina đã sẵn sàng đặt dấu ấn của mình lên ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Họ phải làm được điều đó, để cho thế giới thấy rằng, nhắc đến Bosnia không chỉ là nhắc đến một mảnh đất của chiến tranh vào bạo lực, một mảnh đất của những nỗi đau li tán, chia cắt, mà đó còn là mảnh đất của những cầu thủ bóng đá xuất sắc thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục