Bức tranh Afghanistan và Myanmar khó tươi sáng trong ngắn hạn

Thực tế cho thấy, rất ít cuộc nội chiến dựa vào những nỗ lực lớn từ bên ngoài để thay đổi động lực bên trong. Triển vọng thay đổi tích cực ở Afghanistan và Myanmar trong ngắn hạn là không sáng sủa.
Bức tranh Afghanistan và Myanmar khó tươi sáng trong ngắn hạn ảnh 1Hiện trường vụ đánh bom xe tại Pul-e-Alam, thủ phủ tỉnh Logar của Afghanistan, ngày 1/5. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tờ The Indian Express đã đăng bài viết của nhà bình luận chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan, trong đó cho rằng cả vấn đề Afghanistan và Myanmar đều chưa có triển vọng thay đổi tích cực. Nội dung bài viết cơ bản như sau:

Những nỗ lực nhằm chấm dứt hai cuộc xung đột lớn trong khu vực lân cận của Ấn Độ đang gặp nhiều căng thẳng.

Ở phía Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã tìm cách khởi động tiến trình ngoại giao với giới lãnh đạo quân sự của Myanmar vào cuối tuần qua. Tatmadaw, quân đội của Myanmar, đã tiến hành cuộc đảo chính ngày 1/2 và sau đó đàn áp thẳng tay những người biểu tình.

Ở phía Tây, một hội nghị thượng đỉnh về hòa bình Afghanistan, với mục tiêu tìm cách chấm dứt xung đột kéo dài hàng thập kỷ, dự kiến diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) hồi cuối tuần qua đã phải hoãn lại do lực lượng Taliban từ chối tham gia bất kỳ hội nghị hòa bình nào cho đến khi tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi Afghanistan.

Dù Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã đồng ý rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11/9/2021, Taliban vẫn không chấp nhận tham gia đàm phán hòa bình. Chủ nghĩa hoài nghi của Taliban đã tăng cao kể từ khi Chính quyền Donald Trump bắt đầu can dự Afghanistan hồi năm 2018.

[Myanmar cân nhắc giải quyết vấn đề trong nước theo phương thức ASEAN]

Quay trở lại vấn đề Myanmar, các lực lượng chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này lo ngại rằng sáng kiến của ASEAN vô hình chung sẽ hợp pháp hóa cuộc đảo chính và tạo khoảng trống thời gian để giới tướng lĩnh củng cố ảnh hưởng.

Trong khi đó, nhiều quan ngại tương tự cũng đã được nêu lên khi Mỹ và cộng đồng quốc tế bắt đầu đàm phán với Taliban về chính phủ dân cử ở Kabul. 

Để giải quyết xung đột giữa các quốc gia, thỏa hiệp và cùng tháo gỡ những khó khăn là giải pháp cần thiết và dễ dàng hơn cả. Tuy nhiên, những nguyên tắc chung này rất khó áp dụng với các cuộc nội chiến bởi phạm vi và lực lượng tham gia là yếu tố quyết định việc hình thành chính quyền. Việc một bên nắm toàn quyền kiểm soát sẽ là vấn đề khó khăn và trắc trở nhất với các cuộc đàm phán về dàn xếp quyền lực. 

Nội chiến thường bắt nguồn từ xung đột trong nhận thức về phương cách tổ chức, điều hành xã hội hoặc do sự xung đột sâu sắc về sắc tộc, tôn giáo, hay vùng miền. Đây cũng là điểm khác biệt căn bản giữa xung đột giữa các quốc gia với nội chiến.

Các quốc gia có thể đàm phán thẳng thắn trên cơ sở lợi ích ngắn hạn, trung hạn và dài hạn hoặc hòa giải một phần, hoặc tất cả, trong khi đó, nội chiến khó có thể áp dụng cùng những phương pháp này. Nội chiến chỉ chấm dứt khi các cuộc đàm phán đáp ứng đầy đủ các điều kiện của bên cầm quyền.

Nội chiến ở Afghanistan và Myanmar về cơ bản không giống nhau, nhưng có điểm tương đồng là đều xuất phát từ yếu tố lịch sử. Với Afghanistan, cuộc xung đột ở quốc gia này nảy sinh từ cuối những năm 1970.

Kể từ đó, lịch sử nội chiến ở Afghanistan diễn biến theo các giai đoạn khác nhau - sự trỗi dậy và sụp đổ của một chính phủ cánh tả, sự chiếm đóng của Liên Xô và cuộc thánh chiến chống lại lực lượng này, những hỗn loạn sau sự rút lui của Nga, vụ tấn công 11/9 và sự can thiệp quân sự của Mỹ đang gần tới hồi kết.

Bức tranh Afghanistan và Myanmar khó tươi sáng trong ngắn hạn ảnh 2Cảnh sát Myanmar siết chặt an ninh tại quận Hlaingthaya, thành phố Yangon ngày 14/3/2121. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với Myanmar, dù cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này mới bùng phát gần đây, nhưng căng thẳng của mối quan hệ dân sự-quân sự không phải là mới. Trở lại năm 1988, quân đội đã không chấp nhận vai trò của bà Aung San Suu Kyi và mở cuộc đàn áp lớn. Hòa giải chính trị đã diễn ra từ những năm 2010 song sự “bằng mặt mà không bằng lòng” suốt thập kỷ qua cũng đã không còn nữa. Dù sao đi nữa, những nỗ lực hòa giải tựu chung lại vẫn xoay quanh 3 vấn đề lớn cần giải quyết. 

Thứ nhất là chấm dứt bạo lực. Tại Afghanistan, yêu cầu lực lượng Taliban đang trỗi dậy chấp thuận thỏa thuận chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng chính phủ hoặc dân thường là điều bất khả thi. Taliban thậm chí còn quyết tâm thúc đẩy một chiến thắng quân sự tuyệt đối.

Trong khi đó, sáng kiến của ASEAN về Myanmar kêu gọi ngừng ngay lập tức bạo lực và sự kiềm chế tối đa từ tất cả các bên. Phe đối lập đòi khôi phục nền dân chủ có thể thấy điều này khá là mỉa mai, bởi chính quân đội mới là những người sử dụng bạo lực và không có sự kiềm chế. Cũng giống những gì diễn ra tại Afghanistan, , việc thuyết phục thủ phạm chính của bạo lực ở Myanmar dừng lại là điều không dễ dàng. 

Thứ hai, sáng kiến của ASEAN - “đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên” để “tìm kiếm một giải pháp hòa bình” - là giải pháp chung cho tiến trình hòa giải tại Myanmar.

Tuy nhiên, nói luôn dễ hơn làm. Ở Myanmar, quân đội có thể sẵn sàng đàm phán với phe đối lập và giảm bớt áp lực quốc tế nhưng các nạn nhân của cuộc đảo chính sẽ khó chấp nhận đối thoại về các điều khoản của quân đội. Trong khi đó, tại Afghanistan, Taliban viện đủ mọi lý do để trì hoãn cuộc đối thoại với chính phủ Kabul mà họ luôn coi là bất hợp pháp. 

Thứ ba, vai trò của bên thứ ba trong tiến trình hòa giải, hòa bình là rất quan trọng. Xung đột ở Afghanistan đã được quốc tế hóa từ lâu. Tất cả các cường quốc, bao gồm các quốc gia trong khu vực, các nước láng giềng đều tham gia theo cách này hoặc cách khác với nhiều hình thức khác nhau để sớm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột.

Tuy nhiên, mục đích và quan điểm khác nhau của các bên lại chính là yếu tố khiến nội chiến chưa thể khép lại. Tại Myanmar, ASEAN đã bắt đầu khởi động tiến trình tìm lối thoát cho Myanmar bằng cách cử một đặc phái viên đến khu vực để kết nối với tất cả các bên trong cuộc xung đột. Vấn đề hiện nay là cần nghiên cứu kỹ những điều khoản mà Myanmar có thể đặt ra đối với đặc phái viên và trong đối thoại. 

Chính sách ngoại giao “cây gậy và củ cà rốt” của Mỹ hy vọng Taliban sẽ cân nhắc tới các yếu tố kinh tế để tái thiết đất nước, cũng như tính hợp pháp chính trị để đạt được giải pháp hòa bình ở Afghanistan.

Tại Myanmar, cộng đồng quốc tế hy vọng quân đội sẽ muốn tránh những rủi ro bị cô lập về chính trị và trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, cách Taliban và quân đội Myanmar tính toán những thiệt hại và lợi ích có thể rất khác nhau.

Cả hai lực lượng trên đều có kinh nghiệm nhiều năm trong việc đối phó với các áp lực từ bên ngoài cũng như với các lệnh trừng phạt, biết tận dụng kẽ hở từ sự thiếu bền vững của các thế lực bên ngoài, cũng như khác biệt giữa các cường quốc. 

Thực tế cho thấy, rất ít cuộc nội chiến dựa vào những nỗ lực lớn từ bên ngoài để thay đổi động lực bên trong. Điều này có thể nhìn nhận khá rõ tại Afghanistan, trong khi với vấn đề Myanmar, không rõ cộng đồng quốc tế có thể đi bao xa. Có thể nói, triển vọng thay đổi tích cực ở Afghanistan và Myanmar trong ngắn hạn là điều không mấy sáng sủa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục