Bước đi quan trọng hướng tới quan hệ đối tác

Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của khu vực sông Mekong, góp phần tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và khu vực này.
Ngày 6/11, Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất khai mạc tại thủ đô Tokyo với sự tham dự của những người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản và năm nước thuộc khu vực sông Mekong, gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam (CLMTV).

Phát biểu với các phóng viên nước ngoài ở thủ đô Tokyo hôm 4/11, một quan chức thuộc Vụ châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của khu vực sông Mekong, đồng thời góp phần tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và khu vực này.

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới việc hình thành khuôn khổ hợp tác trong tương lai giữa Nhật Bản và các nước khu vực sông Mekong.

Những nền tảng vững chắc cho quan hệ đối tác

Sự giao lưu giữa Nhật Bản và các nước thuộc lưu vực sông Mekong đã bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 8 khi một con tàu chở các công sứ của Nhật Bản sang Trung Quốc đã gặp bão và phải ghé lên bán đảo Đông Dương.

Khoảng 600 năm trước, các thương gia Nhật Bản đã bắt đầu tới khu vực sông Mekong để buôn bán. Các hoạt động giao thương giữa Nhật Bản và các nước thuộc khu vực sông Mekong trong quá khứ đã tạo tiền đề cho sự phát triển quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và khu vực Mekong trong thời gian gần đây, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.

Theo thống kê của Trung tâm ASEAN-Nhật Bản, kể từ năm 2003, vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào 5 nước thuộc khu vực sông Mekong liên tục tăng và gần đạt con số 6 tỷ USD vào năm 2007. Kim ngạch thương mại giữa hai bên cũng không ngừng tăng và sớm chạm ngưỡng 60 tỷ USD.

Đến nay, cùng với hiệp định thương mại tự do mà Nhật Bản đã ký với khối ASEAN, Nhật Bản cũng đã ký các hiệp định đối tác kinh tế song phương với Thái Lan và Việt Nam và các hiệp định đầu tư song phương với Campuchia và Lào.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã cung cấp nhiều khoản viện trợ không hoàn lại, viện trợ kỹ thuật và các khoản vay ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của các nước thuộc khu vực sông Mekong. Nhật Bản hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này.

Riêng trong năm 2007, nước này đã cung cấp gần 200 tỷ yen (khoảng 2,22 tỷ USD) vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho 5 nước trên. Vốn ODA của Nhật Bản đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.

Những bước đi quan trọng hướng tới quan hệ đối tác

Tháng 1/2007, Nhật Bản đã công bố "Chương trình Đối tác Nhật Bản- Mekong", với các mục tiêu như tăng cường quan hệ giữa Nhật Bản và các nước sông Mekong và đảm bảo tăng trưởng bền vững của khu vực sông Mekong.

Sau đó, vào tháng 1/2008, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất đã được tổ chức ở Tokyo.

Tại hội nghị này, Nhật Bản đã khẳng định sẽ tăng vốn ODA trên cơ sở Chương trình Quan hệ Đối tác Nhật Bản-Mekong, đồng thời cam kết sẽ viện trợ thêm 20 triệu USD nhằm giúp cải thiện hiệu quả của hệ thống phân phối dọc các hành lang kinh tế Đông-Tây và phía Nam khu vực sông Mekong.

Bên cạnh đó, phía Nhật Bản đã công bố ý định tiếp nhận hơn 10.000 thanh niên của các nước thuộc khu vực sông Mekong tới thăm nước này trong vòng 5 năm theo các chương trình khác nhau. Cũng tại hội nghị này, các bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản và 5 nước thuộc khu vực sông Mekong đã quyết định lấy năm 2009 là "Năm Giao lưu Mekong-Nhật Bản".

Theo kế hoạch, tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần này, các nhà lãnh đạo sẽ đánh giá lại quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và 5 nước thuộc khu vực sông Mekong. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tầm nhìn trong tương lai của khu vực sông Mekong và quan hệ Mekong-Nhật Bản, đồng thời đưa ra các ưu tiên chính sách để thực hiện các tầm nhìn này.

Theo nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các ưu tiên chính sách sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu gồm: Thúc đẩy sự phát triển toàn diện ở khu vực sông Mekong, trong đó có việc phát triển hơn nữa cơ sở hạ tầng "cứng" và "mềm", thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân và xây dựng quy tắc chung của khu vực trong lĩnh vực kinh tế; mở rộng quan hệ hợp tác và trao đổi giữa các nước khu vực sông Mekong và Nhật Bản như tăng cường trao đổi các chuyến thăm của nhân dân, trong đó các nghị sỹ và thanh niên, của các nước khu vực sông Mekong và Nhật Bản...

Theo dự kiến, sau khi kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo sáu nước sẽ ra một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa quan hệ và hợp tác Mekong-Nhật Bản để tối đa hóa các tiềm năng của khu vực sông Mekong và đối phó một cách hiệu quả với các thách thức.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo sáu nước có thể sẽ thông qua Kế hoạch hành động Mekong-Nhật Bản nhằm triển khai thực hiện tuyên bố chung trên./.

Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội dự Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ nhất, tổ chức tại Tokyo trong hai ngày 6 - 7/11 theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.
(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục