Cả dân tộc vỡ òa trong nỗi đau "máu chảy ruột mềm"

Cả dân tộc đang chung một nỗi đau khi khúc ruột miền Trung chìm trong biển lũ. Trong hoạn nạn, sáng lên những tấm lòng người Việt.
Cuối cùng thì chiếc xe khách định mệnh bị lũ cuốn trôi trên sông Lam cũng đã được kéo lên. Thi thể những người xấu số cũng đã về với đất Mẹ, dù nước vẫn ngập trắng trời miền Trung.

Không chỉ hàng chục nghìn người đổ về sông Lam để cùng chịu nỗi đau tang tóc này mà hàng chục triệu người dân Việt Nam cùng dõi về miền Trung – nơi trận lũ lịch sử đã cuốn đi sinh mạng của cả trăm người; nơi cái đói, cái rét đang rút cạn sinh lực của những người sống sót vốn đã kiệt quệ vì cả tuần ngâm lũ.

Nỗi đau của cả dân tộc

Ngày 18/10,  tin về một chuyến xe bị lũ cuốn trôi đã mang đi sinh mệnh của 19 người tại sông Lam đến với người dân cả nước. Trước đó, hình ảnh lũ nhấn chìm hàng trăm nghìn nóc nhà ở miền Trung, những cánh tay đội ngói kêu cứu... đã làm nhói lòng biết bao người nhưng chỉ khi đến chuyến xe định mệnh kia, từng người dân Việt mới thấm thía nỗi đau mà người dân vùng lũ đang gánh chịu.

Hàng ngày, mọi người theo dõi diễn biến tình hình lũ lụt ở miền Trung, và dõi theo bóng dáng của chiếc xe tử thần đang chứa 19 linh hồn xấu số qua tất cả mọi nguồn tin có thể có, truyền hình, báo giấy, báo mạng, đài phát thanh... rồi truyền tai nhau...

Tối 21/10, thông tin trục vớt chiếc xe khách được đưa lên đầu bản tin thời sự, những thi thể đầu tiên đã được tìm thấy. Hình ảnh hàng chục nghìn người đứng chết lặng, với những bát hương nghi ngút khói ngưng lại trên hàng chục triệu cặp mắt đang mờ đi vì hơi nước. Trên màn hình, có ai đó quệt nước mắt. Dường như giọt nước mắt này đã làm tràn ly nước. Cả dân tộc òa trong nỗi đau chung.

Hơn nghìn phạm nhân Trại giam số 6 (Nam Đàn, Nghệ An) đã khóc khi xem đoạn phim này. Trong số đó, đã có người, trong giây phút bồng bột, cướp đi sinh mạng của người khác. Nhưng lúc này, trong nỗi đau chung, tất cả đều hòa làm một, không giám thị, không phạm nhân, chỉ còn những người cùng ngập trong nỗi đau an ủi lẫn nhau.

Nhớm lạc quyên của Cộng đồng sửa chữa điện thoại Việt Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) đang gói đồ trước tivi dừng tay. Một thành viên cho biết, có lẽ họ sẽ ra miền Trung luôn trong tuần này, thay vì để đến tuần sau theo kế hoạch.

Tại Hà Nội, bà Hà Thị Liên - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến Lễ bế mạc Liên hoan phim Quốc tế lần thứ nhất với tâm trạng bồn chồn. Bà nói: “Tôi rất thích xem phim, cũng muốn là khán giả của Liên hoan phim nhưng vào lúc này tôi không còn lòng nào mà  theo dõi. Tôi tới dự  Lễ bế mạc thật lòng là để nhận số tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt. Còn tâm trí thì để hết vào miền Trung rồi, giờ này không biết đội cứu hộ đã tìm được hết thi thể nạn nhân trong chuyến xe khách tại Hà Tĩnh chưa, có vùng nào còn chưa nhận được cứu trợ hay không...,” giọng bà nghẹn ngào.

Máu chảy ruột mềm

Những ngày này, cả nước như đang trong thời chiến. Những thùng quyên góp quần áo, sách vở, đồ dùng được các bạn trẻ đặt ở mọi góc phố. Các chuyến xe chở hàng cứu trợ từ Bắc đến Nam đã và đang liên tiếp nối đuôi nhau vào Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Bình... Các chương trình truyền hình kêu gọi cứu trợ được truyền trực tiếp để cả nước chia xẻ với miền Trung.

Quân đội vào cuộc cứu người, cứu của cho dân. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã điều động hơn 19.300 bộ đội, chiến sỹ công an, dân quân tự vệ vào cuộc ngay từ điểm đầu nước lũ. Hàng nghìn người nơi này, hàng trăm người nơi khác được các chiến sỹ giật ra khỏi tay tử thần.

Thiếu úy Đoàn Trọng Giáp, đội rà phá bom mìn C17, Công Binh - Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh trong lúc đang trên đường giúp dân chạy lũ tại xã Hòa Hải, huyện Hương Khê thì bất ngờ bị dòng nước đầu nguồn đổ ập về và cuốn phăng về phía hạ lưu. Bộ đội đã đổi tính mạng của mình cho thủy thần để dân được sống.

Ngay sau khi kết thúc phần báo cáo kinh tế - xã hội trước Quốc hội sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên máy bay trực thăng vào Hà Tĩnh thị sát tình hình. Thủ tướng  đã yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình huy động mọi lực lượng giúp đồng bào sửa chữa nhà cửa, nắm sát tình hình để hỗ trợ, không để dân bị đói.

Cả nước vào cuộc. Khắp nơi những chương trình quyên góp tự phát hình thành. Học sinh Hà Nội đập lợn đóng tiền ủng hộ từ tiền mừng tuổi, từ những buổi giấu mẹ nhịn ăn sáng. Người già, công chức trích những đồng lương ít ỏi, doanh nghiệp trích quỹ phúc lợi...  Lương thực, thuốc chữa bệnh lên đường và cả quần áo cũ, mới cũng lên đường vào che chắn giớ rét cho dân miền Trung.

Nhờ đó, những vùng bị chia cắt do lũ đã có lương thực quần áo đưa đến bằng máy bay. Chính phủ xuất kho 11.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương để khắc phục hậu quả lũ lụt. Trong lũ dữ đã xuất hiện nhiều phong trào mới như "Nồi cơm Thạch Sanh", "Ngôi nhà hạnh phúc" để "lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá te tua".

Trong cơn nguy cấp này càng hiểu thêm tấm lòng mỗi người dân Việt.

Để những cánh tay có sức mạnh đòn bẩy

Miền Trung  năm nào cũng lũ. “Sống chung với lũ” như tiếng thở dài cam chịu của những người dân nơi đây. Mỗi năm qua đi, những đỉnh lũ lại lập nên những kỷ lục mới.

Chỉ có công tác dự báo trước lũ và cứu trợ sau lũ dường như chẳng chịu thay đổi. Lần lũ lịch sử nào cũng đầy bất ngờ và khi thương vong, thiệt hại lên cao, người dân mới ngỡ ngàng nhận biết cơn lũ khủng khiếp đến mức nào.

Và sau mỗi trận lũ, hàng đoàn cứu trợ ùn ùn kéo về các tỉnh thiệt hại để chia sẻ khó khăn. Nhưng ngày càng nhiều những đoàn cứu trợ tự phát với phương châm “có gì ủng hộ nấy”, “đến  tận nơi, nhìn tận mắt,  trao tận tay” nên hàng cứu trợ nhiều khi không phù hợp với nhu cầu khác nhau của từng vùng, từng địa phương và thiếu công bằng khi nơi thì được nhận rất nhiều sự hỗ trợ trong khi có nơi ở vùng sâu vùng xa thì lại không nhận được chút tình nghĩa nào của đồng bào.

Thêm nữa, năm nào cũng thế, khi cơn lũ đã đi qua, công tác tái thiết cơ sở vật chất giúp đồng bào sẽ được triển khai. Thế nhưng, chương trình nhà ở cho người dân vùng lũ, những kiến thiết thích hợp với môi trường nơi đây dường như vẫn chưa được chú trọng, thế nên, cứ lũ là thiệt hại; lũ lớn là dân trắng tay.

Bên cạnh đó, công tác sau lũ thực sự cần đến sức người, trong khi bà con vùng lũ lại đang bị kiệt quệ sau đợt thiên tai. Nhưng, dường như vẫn còn quá thiếu những đợt cứu trợ như vậy. Ông Ngô Thế Lý, Chánh văn phòng Sở Giáo dục Hà Tĩnh đã than thở với Vietnam+  không có đủ nhân lực để dọn dẹp, tu sửa trường học trong khi nắng gắt đang làm bùn lầy khô nhanh, bám dính nham nhở trên sàn, trên tường và bàn ghế của học sinh. 

Vì vậy, cứu trợ thiết thực cho miền Trung hiện nay không chỉ là miếng cơm, manh áo mà cần hơn là một chương trình cứu trợ tổng thể với sự chung tay của tất cả các cấp, các ngành để mỗi đợt “cứu” thực sự là “trợ” bà con vực dậy sau lũ.

Có như thế những cánh tay đưa ra mới tìm được đến nhau để tạo thành sức mạnh đòn bẩy kéo miền Trung khỏi “kiếp lũ lụt.”

 Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão Trung ương, tính đến ngày 21/10, trong đợt lũ thứ 2 (14-18/10) số người chết đã lên đến 66 , mất tích 8 người.

Sau hai đợt "lũ chồng lên lũ," tính đến thời điểm này miền Trung đã có tới 157 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất lên đến 4-5.000 tỷ đồng (riêng đợt lũ đầu tháng 10 thiệt hại 2.562 tỷ đồng).

Tính đến 21/10, Nghệ An vẫn còn 120 xã/38.029 hộ bị ngập, trong đó có 35 xã bị cô lập; Hà Tĩnh 183 xã/175.110 hộ; Quảng Bình 16 xã/53.520 hộ bị ngập (giảm 11 xã) và không còn xã bị cô lập. Thanh Hóa không còn hộ bị ngập.
Hùng Dũng Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục