Cà Mau: Mỗi năm hai bên bờ sông bị sạt lở trên 1m

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mỗi năm các con sông trong tỉnh đã bị sạt lở từ 1m trở lên, có nơi sạt lở sâu tới 2-3 m.

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, mỗi năm các con sông trong tỉnh đã bị sạt lở từ 1m trở lên, có nơi sạt lở sâu tới 2-3 m. Những tuyến sông bị sạt lở nặng nề nhất là các con sông Bảy Háp, Gành Hào, Sông Đốc, Sông Trẹm, đặc biệt là các tuyến kênh xáng như Hoà Trung.

Ông Trần Văn Thọ, ở kênh xáng Hoà Trung cho biết, 15 năm nay nhà ông phải 3 lần di dời nhưng hiện nay nhà chỉ cách mé sông không đầy 10 m, như vậy khả năng di dời một lần nữa là khó tránh khỏi.

Nói chung, có đất có nhà hai bên bờ sông như hiện nay đã trở thành tai họa có thể giáng xuống bất cứ lúc nào. Không chỉ riêng có kênh xáng Hoà Trung, hầu hết 500 km kênh xáng trong tỉnh Cà Mau điều trong tình trạng như vậy.

Nguyên nhân là do các phương tiện vận tải thủy hoạt động quá nhiều tạo sóng đập vào bờ gây sạt lở; do tác động của biến đổi khí hậu làm cho nước thuỷ triều dâng cao gây sạt lở. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng như người dân chưa có ý thức trong việc thực hiện phòng chống sạt lở.

Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, sạt lở là tình trạng chung của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chứ không phải riêng Cà Mau. Cách chống sạt lở hiệu quả và căn cơ nhất là xây bờ kè bằng bê tông, nhưng với chi phí cho 1 km bờ kè tốn hơn 5 tỷ thì không thể nào làm nổi.

Hiện nay chính quyền địa phương đang tập trung đầu tư nâng cấp đê biển đòi hỏi kinh phí lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Còn tình trạng sạt lở của các con sông nội địa chỉ vận động bà con dùng cây gỗ làm hàng rào chắn sóng, cách làm này tuy hạn chế được sạt lở nhưng không bền vững; kế đến là phải giảm được phương tiện vận tải thuỷ trên sông, điều này cũng sẽ góp phần hạn chế sạt lở ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục