Theo thông báo mới nhất của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện cả nước có 7 ổ dịch lở mồm long móng chưa qua 21 ngày; trong đó, có 3 ổ dịch tại các xã Gia Phố, Phú Phong, Hương Xuân thuộc huyện Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh (đã qua 18 ngày), 1 ổ dịch tại xã Quảng Điền, huyện Krông Ana của tỉnh Đắk Lắk (đã qua 15 ngày).
Theo Cục Thú y, các ổ dịch chủ yếu xảy ra tại các đàn gia súc chưa được tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng hoặc do gia súc mắc bệnh được vận chuyển từ vùng có dịch.
Do đó, Cục Thú y khuyến cáo các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch; tổ chức tiêm phòng vắcxin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.
Đối với dịch cúm gia cầm, mặc dù đến nay đã cơ bản khống chế được nhưng Cục Thú y nhận định nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, A/H5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
Do đó, các địa phương cần chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.
Còn đối với dịch tai xanh trên lợn, trong thời gian tới, có thể xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn có ổ dịch cũ và khu vực có nguy cơ cao. Các địa phương cần tăng cường giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch phát sinh và lây lan./.