Các doanh nghiệp, tổ chức nộp hơn 425 tỷ đồng tiền chậm đóng bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội đã yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp, tổ chức nộp hơn 425 tỷ đồng tiền chậm đóng bảo hiểm ảnh 1Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bảo hiểm xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông qua quá trình thanh tra, kiểm tra trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã trực tiếp khắc phục, nộp tiền chậm đóng với số tiền là 425,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hôm nay 13/7.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Bảo hiểm xã hội đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị. Qua đó, ngành đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 15 tỷ đồng; yêu cầu truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của 23.118 lao động đóng chưa đúng quy định với số tiền truy thu là 62,4 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp số tiền hơn 37,6 tỷ đồng tiền hưởng các chế độ không đúng quy định.

[Triển khai cấp giấy khai sinh và thẻ bảo hiểm y tế cùng lúc từ 1/7]

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đổi mới, kết hợp thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử: Công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được tăng cường triển khai và đổi mới theo hướng kết hợp giữa thanh tra truyền thống với thanh tra theo phương thức điện tử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra, kiểm tra...

Đặc biệt, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn thiện và nâng cấp phần mềm hoạt động thanh tra, kiểm tra và bổ sung các dấu hiệu nhận diện hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

Trong 6 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông; tăng cường các giải pháp thu, giảm nợ, thu hồi nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; tăng cường công tác quản lý chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, ngăn chặn trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo quyền lợi người tham gia; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục