Các hãng ôtô “đau đầu” trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế nhập khẩu cao

Hầu hết các thương hiệu ôtô đều có ít nhất một nhà máy tại Mỹ, tuyển dụng hàng chục nghìn nhân công, đồng thời “rót” nhiều tỷ USD vào hệ thống nhà xưởng tại Mỹ.
Các hãng ôtô “đau đầu” trước nguy cơ bị Mỹ áp thuế nhập khẩu cao ảnh 1Ôtô của Tập đoàn Volkswagen và Audi tại một bãi đỗ xe ở Michigan, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao đối với ôtô nhập khẩu, nếu trở thành hiện thực sẽ là một “đòn chí mạng” giáng vào các nhà chế tạo ôtô nước ngoài đang xuất khẩu số lượng lớn ôtô sang thị trường Mỹ.

Hầu hết các thương hiệu ôtô này, chẳng hạn như Mercedes, BMW và Volkswagen của Đức hay Nissan, Honda của Nhật Bản, đều có ít nhất một nhà máy tại Mỹ, tuyển dụng hàng chục nghìn nhân công, đồng thời “rót” nhiều tỷ USD vào hệ thống nhà xưởng tại Mỹ.

Toyota và Mazda của Nhật Bản đầu năm nay thông báo kế hoạch xây dựng một cơ sở sản xuất chung trị giá 1,6 tỷ USD tại bang Alabama, phía Đông Nam nước Mỹ, có khả năng sản xuất 300.000 ôtô/năm.

Hãng chế tạo ôtô Volvo của Thụy Điển, vốn có kế hoạch mở một nhà máy tại South Carolina vào cuối năm nay, đã lên tiếng cảnh báo các mức thuế nhập khẩu mới sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của hãng.

Số liệu của AutoData cho thấy trong năm 2017 có khoảng hơn 17 triệu ôtô được bán tại Mỹ, gần 8,7 triệu xe trong số này được nhập khẩu, phần lớn từ Mexico và Canada - hai đối tác của Mỹ trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), và từ Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc.

Số liệu từ Edmunds.com cho thấy từ đầu năm đến nay, thị phần xe ôtô nội địa được bán tại Mỹ đã giảm xuống mức hơn 50%, so với mức trên 51% trong cùng kỳ năm 2017. Ít nhất 82% ôtô Volkswagen được bán tại Mỹ được nhập khẩu. Tỷ lệ này đối với thương hiệu Toyota, Huyndai, Mercedes-Benz và BMW lần lượt là 55%, 57%, 70% và 68%.

[Toyota phản đối kế hoạch của Mỹ về tăng thuế nhập khẩu ôtô]

Ôtô là ngành chế tạo lớn nhất của Mỹ, tuyển dụng (trực tiếp và gián tiếp) khoảng 8 triệu lao động. Đây cũng là một trong những lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của nền kinh tế Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu ôtô đạt gần 138 tỷ USD trong năm 2015, tăng gấp đôi so với mức của năm 2009. Theo giới quan sát, đây là những yếu tố hoàn toàn xác đáng để Tổng thống Mỹ cân nhắc các phương án bảo vệ lợi ích ngành ôtô Mỹ.

Song hệ thống nhà xưởng của các nhà chế tạo ôtô nước ngoài đặt tại Mỹ cũng không hề nhỏ. Hãng Toyota tuyển dụng hơn 36.000 lao động, có 10 nhà máy tại Alabama, California, Mississippi và Texas. Trong khi đó, Honda tuyển dụng hơn 4.000 lao động, đặt nhà máy tại Alabama, George, Indiana và Ohio.

Còn Volkswagen tuyển dụng 2.444 lao động, với nhà máy tại Tennessee có công suất sản xuất lên tới 150.000 ôtô/năm. Daimler có nhà máy tại Alabama, Indiana, và South Carolina, tuyển dụng 4.900 lao động địa phương. Nissan có hai nhà máy tại Mississipi và Tennesse, tạo việc làm cho 14.400 lao động Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục