Các liệt sỹ của Đài Minh Ngữ - Thông tấn xã Giải Phóng khu 5

Một số kỷ niệm về các liệt sỹ của Đài Minh Ngữ, bộ phận kỹ thuật, phát tin của Thông tấn xã Giải phóng Khu 5, những người đã góp phần xương máu cho đất nước, xây dựng lịch sử của ngành.

C8, tức Đài Minh Ngữ, là bộ phận kỹ thuật, phát tin của Thông tấn xã Giải phóng Khu 5. Gọi là “Minh Ngữ” vì tin được phát thẳng một cách công khai, không qua mật mã. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban Tuyên huấn Khu I có 22 tiểu ban (22C) thì Thông tấn có hai tiểu ban là Thông tấn và C8.

Tiến tới kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành thông tấn, chúng tôi xin nhắc lại một số kỷ niệm về các liệt sỹ của Đài Minh Ngữ, những người đã góp phần xương máu cho đất nước, xây dựng lịch sử của ngành.

Năm 1971, địch đánh vào trại sản xuất của đài ở Trà My, Quảng Nam. Chúng tàn phá kết quả sản xuất của anh chị em và bắn chết điện báo viên Bùi Thái Thu. Ba ngày sau các đồng chí khác mới quay lại, an táng cho anh Thu. Sau năm 1975, gia đình đã đưa hài cốt anh về Nghĩa trang liệt sỹ xã Tịnh Ðông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Đêm 21/5/1972, Ban Tuyên huấn Quảng Đà tổ chức chiếu phim cho anh em xem tại căn cứ Hòn Tàu (Xuyên Phúc, Duy Xuyên, Quảng Nam). Sau đó, ba đồng chí ở ngành điện ảnh cùng đồng chí Hoàng Quốc Thăng, Trưởng đài Minh Ngữ Quảng Ðà và điện báo viên Võ Công Thu (quê Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) quay vào hầm ngủ.

Khoảng 24 giờ, máy bay B52 của địch thả bom đúng căn cứ. Cả 5 đồng chí trong hầm đều hy sinh. Sáng ra, các đồng chí khác trở lại hang tìm, nhưng miệng hang bị đá lớn chắn, không thể vào được, có một cánh tay lòi ra ngoài hang, mọi người nhận ra đấy là cánh tay của đồng chí Tiệp bên điện ảnh nhưng không có cách gì kéo được, đành lấy đất phủ lên cánh tay ấy.

Mùa mưa năm 1973, đài cử các đồng chí Phùng Khắc Minh, Nguyễn Hoàng Tùng, Nguyễn Thị Chính và Phạm Thị Ðệ đem muối, mì chính lên làng đồng bào dân tộc đổi sắn. Khi về đồng chí Phạm Thị Ðệ bị sái chân, đi lại khó khăn nhưng các đồng chí khác đều gùi nặng, không san sẻ được. May có đồng chí phóng viên Việt Long, trên đường đi họp về gặp anh em đã mang hộ đồng chí Đệ gùi sắn, để đồng chí Đệ mang hộ ba lô của đồng chí Long nhẹ hơn. Khi về gần đến nhà, còn phải qua một con suối nữa, mọi người ngồi nghỉ, riêng Ðệ sợ đi chậm nên một mình đi trước. Ðang nghỉ bỗng nghe có tiếng kêu “Chính ơi” mọi người liền chạy xuống suối, nhưng không thấy gì, chỉ thấy nước chảy xiết.

Các đồng chí chia nhau tìm nhưng không thấy đồng chí Đệ. Nghe báo cáo, cả cơ quan tung người đi tìm, đồng chí Hồng Sinh và đồng chí Tùng bơi dọc suối nhưng vẫn không thấy gì. Mãi ba ngày sau, xác của Đệ mới được tìm thấy khi mắc vào cây rù rì ven suối. Sau này, anh em Cục Kỹ thuật thông tấn và gia đình đã đưa hài cốt của đồng chí Đệ về quê.

Các liệt sỹ của Đài Minh Ngữ - Thông tấn xã Giải Phóng khu 5 ảnh 1Liệt sĩ Võ Công Thu (hy sinh năm 1972) và liệt sỹ Phạm Thị Đệ (hy sinh năm 1973)

Ðất Kon Tum cũng “ôm giữ” trong lòng mình hai liệt sỹ của C8. Đồng chí Nguyễn Tấn An, Trưởng Ðài Minh ngữ Kon Tum, hy sinh năm 1960 và đồng chí Hoàng Minh Ngọc, hy sinh năm 1973.

Năm 1972, đồng chí Hoàng Minh Ngọc được Ban Tuyên huấn khu 5 điều đi “tăng cường cho phía trước,” làm xã đội trưởng một xã ở Ðắc Tô, Tân Cảnh, Kon Tum. Theo tìm hiểu của đồng chí Võ Năng Nhẫn, nguyên Trưởng phân xã Kon Tum, trong một trận chống càn, khi phản kích, xã đội trưởng Hoàng Minh Ngọc đã tiến quá nhanh, đồng đội phía sau không hỗ trợ kịp nên anh đã anh dũng hy sinh. Hài cốt của anh đã được đưa vào Nghĩa trang Ðắc Tô.

Khoảng năm 1986, một đoàn cán bộ ở Ðiện ảnh Quảng Nam-Ðà Nẵng trở lại chiến trường xưa, dựng bia tưởng niệm 5 đồng chí đã hy sinh ở Hòn Tàu và lấy đất ở đó về xây 5 ngôi mộ ở Nghĩa trang Điện Bàn. Tháng 8/2011, một đội công binh của Tỉnh đội Quảng Nam đã phá đá, mở cửa hang, tìm được hài cốt các liệt sỹ. Đến lúc đó, con đồng chí Hoàng Quốc Thăng mới biết tin chính xác về cha mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục