Các nhà sản xuất ôtô có thể đối mặt với tình trạng thiếu chip đến 2023

CEO Daimler cho biết ôtô ngày càng phụ thuộc vào chip đối với mọi tính năng, từ quản lý động cơ bằng máy tính để tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đến các tính năng hỗ trợ người lái như phanh khẩn cấp.
Các nhà sản xuất ôtô có thể đối mặt với tình trạng thiếu chip đến 2023 ảnh 1Ông Ola Kallenius, Tổng giám đốc Daimler AG. (Ảnh: Bloomberg)

Giám đốc điều hành (CEO) Daimler AG Ola Källenius ngày 5/9 cho biết hoạt động sản xuất của ngành ôtô có thể gặp khó khăn trong năm 2022 và 2023 trong bối cảnh nhu cầu về chip bán dẫn tăng cao, nhưng nguồn cung không đủ.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt sẽ ít nghiêm trọng hơn vào thời điểm đó.

Các nhà sản xuất ôtô, buộc phải đóng cửa nhà máy năm 2020 do đại dịch COVID-19, phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ ngành điện tử tiêu dùng đối với nguồn cung ứng chip, mà bị gián đoạn trong thời gian dịch bệnh.

Ôtô ngày càng phụ thuộc vào chip đối với mọi tính năng, từ quản lý động cơ bằng máy tính để tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đến các tính năng hỗ trợ người lái như phanh khẩn cấp.

Phát biểu tại một sự kiện trước thềm Triển lãm ôtô IAA Munich, ông Ola Källenius nói rằng tình trạng thiếu nguồn cung chip có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất vào năm 2022, nhưng tình hình có thể lạc quan hơn vào năm 2023.

Triển lãm IAA là sự kiện lớn đầu tiên của ngành ôtô trên toàn thế giới kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tuần trước, Daimler dự kiến doanh số bán xe trong quý 3/2021 của thương hiệu Mercedes sẽ thấp hơn đáng kể do tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu, trở thành hãng xe mới nhất trong chuỗi các nhà sản xuất ôtô bị ảnh hưởng về doanh thu.

[Căng thẳng nguồn cung bán dẫn có thể kéo dài hết năm 2022]

Các nhà sản xuất ôtô từ Tập đoàn General Motors của Mỹ đến Mahindra của Ấn Độ và Toyota của Nhật Bản đã hạ dự báo về sản lượng và doanh số bán hàng do nguồn cung chip khan hiếm bởi tình hình dịch COVID-19 diễn biến xấu đi tại các trung tâm sản xuất chất bán dẫn quan trọng ở châu Á.

Ông Källenius cho biết mặc dù tình trạng thiếu chip đang diễn ra, song nhà sản xuất ôtô Đức này vẫn hy vọng nguồn cung cấp chất bán dẫn tự sản xuất sẽ được cải thiện trong quý 4/2021.

Nằm trong kế hoạch điện khí hóa loạt mẫu xe của mình, Mercedes-Benz sẽ trưng bày một số mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện tại Triển lãm ôtô ở Munich.

Hồi tháng 7/2021, Daimler cho biết sẽ chi hơn 40 tỷ euro (47 tỷ USD) vào năm 2030 để vượt Tesla trên thị trường xe điện, song cảnh báo sự thay đổi về công nghệ sẽ dẫn đến cắt giảm việc làm.

Nhà sản xuất ôtô Đức cho biết sẽ xây dựng tám nhà máy pin trong nỗ lực đẩy mạnh sản xuất xe điện (EV) và từ năm 2025, các nhà máy sản xuất xe mới sẽ chỉ sản xuất EV./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục