Các nước phát triển tái khẳng định dành 0,7% GDP cho ODA

Theo Chương trình hành động Addis Ababa, các nước phát triển tái khẳng định cam kết dành 0,7% GDP cho ODA, với 0,15-0,2% GDP viện trợ cho các nước chậm phát triển nhất.
Các nước phát triển tái khẳng định dành 0,7% GDP cho ODA ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: un.org)

Tại Hội nghị quốc tế về Tài trợ phát triển lần thứ ba của Liên hợp quốc diễn ra tại thủ đô Ethiopia tuần qua, "Chương trình hành động Addis Ababa" đã được thông qua với hàng trăm biện pháp và kiến nghị chính sách cụ thể về các vấn đề như huy động hàng nghìn tỷ USD hàng năm cho phát triển bền vững của thế giới trong 15 năm tới đã được đề xuất.

Đây là cột mốc mới nhằm mang đến sự phồn thịnh, nâng cao phúc lợi của nhân dân cũng như tăng cường quan hệ đối tác hợp tác toàn cầu trong việc bảo vệ môi trường.

“Chương trình hành động Addis Ababa” đã đề ra biện pháp mới về các mặt khoa học-công nghệ, cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, y tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, viện trợ nước ngoài, thuế, biến đổi khí hậu cũng như biện pháp viện trợ trọn gói đối với các nước nghèo nhất, trong đó bao gồm xây dựng “cơ chế thúc đẩy bằng công nghệ” cũng như “diễn đàn cơ sở hạ tầng toàn cầu”...

Theo chương trình này, các nước phát triển tái khẳng định cam kết dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển chính thức (ODA), với 0,15-0,2% GDP viện trợ cho các nước chậm phát triển nhất, và còn cam kết sẽ tăng trở lại viện trợ cho các nước nghèo nhất, trong đó Liên minh châu Âu cam kết đến năm 2030 sẽ tăng viện trợ cho các nước chậm phát triển nhất lên đến 0,2% GDP.

Ngoài ra, chương trình hành động còn kêu gọi các nước phát triển thực hiện cam kết, phối hợp huy động 100 tỷ USD thông qua các kênh vào trước năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước đang phát triển.

Hội nghị về tài trợ phát triển lần này là một trong ba hội nghị then chốt được tổ chức trong năm nay của Liên hợp quốc, sẽ giúp thế giới đi lên con đường phát triển phồn thịnh và bền vững chưa từng có, thành quả của hội nghị sẽ cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho thúc đẩy các nước đạt được chương trình nghị sự về phát triển bền vững của toàn cầu sau năm 2015 tại New York đồng thời đạt được thỏa thuận mới về giảm thiểu lượng phát thải khí cácbon có sức ràng buộc pháp lý phổ biến tại Hội nghị về biến đối khí hậu diễn ra ở Paris, Pháp vào cuối năm nay.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết những thành quả của Hội nghị sẽ đặt nền tảng quan trọng cho vực dậy quan hệ đối tác toàn cầu về phát triển, bảo đảm việc thực hiện mục tiêu “không để cho bất cứ người nào bị bỏ rơi trong quá trình phát triển của thế giới.”

Phó Tổng Thư ký Hội đồng Kinh tế-Xã hội của Liên hợp quốc kiêm Tổng Thư ký Hội nghị quốc tế về tài trợ phát triển lần thứ ba, ông Ngô Hồng Ba, cho biết tích cực điều động nguồn lực trong nước là nội dung cốt lõi của “Chương trình hành động Addis Ababa,” đồng thời tái khẳng định cam kết về tăng cường ODA và “hợp tác Nam-Nam,” nhất là đối với các nước chậm phát triển nhất.

Theo dự báo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, muốn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của toàn cầu từ năm 2015 đến năm 2030, hàng năm các nước đang phát triển cần phải nhận được nguồn đầu tư từ 3.300-4.500 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục