Các nước Trung Á có thể “vươn mình” khỏi vòng ảnh hưởng của Nga?

Chiến lược đa dạng hóa quan hệ mà Trung Á tích cực thực hiện đến nay có thể là chưa đủ, ít nhất là trong ngắn hạn, để "giải phóng" họ khỏi ảnh hưởng của Nga.
Các nước Trung Á có thể “vươn mình” khỏi vòng ảnh hưởng của Nga? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Viện quan hệ quốc tế Pháp, cuộc xung đột với Ukraine đã làm xấu đi hình ảnh của Nga tại Trung Á và tạo điều kiện để các cường quốc khác tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực này.

Dưới đây là phân tích của chuyên gia Michael Levystone đến từ Trung tâm Nga-Cộng đồng các quốc gia độc lập, Viện quan hệ quốc tế Pháp (IFRI).

Căng thẳng tại Ukraine gây ra nhiều phiền toái cho khu vực Trung Á. Một mặt, tất cả các nước đều có mối quan hệ rất chặt chẽ với Nga. Nga là đối tác thương mại lớn nhất của Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Nga cũng là nhân tố bảo đảm an ninh khu vực, như những gì đã thấy trong các chương trình huấn luyện trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) tại Kyrgyzstan và Tajikistan hồi năm 2021, sau đó là việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO tại Kazakhstan vào tháng 1/2022 để hỗ trợ Tổng thống nước này Kassym-Jomart Tokayev chấm dứt các cuộc nổi dậy liên quan đến việc tăng giá khí hóa lỏng.

Mặt khác, Trung Á cũng có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Ukraine, đối tác thương mại nằm trong top 10 của Uzbekistan và Turkmenistan.

Ngoài việc lên tiếng kêu gọi giải quyết xung đột Ukraine bằng con đường ngoại giao, các nước Trung Á trong giai đoạn đầu rất cẩn trọng khi bày tỏ quan điểm, cố gắng giữ im lặng giống như họ đã thể hiện trong sự kiện Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

[Căng thẳng của Nga mở ra cơ hội cho Trung Quốc tại Trung Á]

Tuy nhiên, mặc dù không lên án Nga nhưng cũng không có nước Trung Á nào bày tỏ thái độ đồng tình với cuộc xung đột tại Ukraine. Uzbekistan và Kyrgyzstan đã cải chính mạnh mẽ các tuyên bố do cơ quan báo chí điện Kremlin đưa ra.

Văn phòng Báo chí Phủ Tổng thống Tajikistan thậm chí còn không đề cập đến tình hình Ukraine trong thông cáo về cuộc họp, diễn ra tại Tajikistan một ngày sau khi bắt đầu nổ ra xung đột.

Mục tiêu lôi kéo của các cường quốc

Căng thẳng tại Ukraine đã thúc đẩy các nhân tố ngoài khu vực tăng cường gây ảnh hưởng lên Trung Á, bắt đầu là Trung Quốc. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực đã tăng từ 1,5 tỷ USD lên 38,6 tỷ USD trong giai đoạn 2000-2020, là yếu tố chính làm nổi bật sự hiện diện của Bắc Kinh.

Sau thời gian tạm gián đoạn vì dịch COVID-19, quan hệ thương mại giữa các quốc gia Trung Á với Trung Quốc đã dần dần hồi phục vào năm 2021, với tốc độ còn nhanh hơn hồi năm 2019, Thương mại Trung Quốc-Kazakhstan tăng 13%, tương đương 25,2 tỷ USD, thương mại Trung Quốc-Kyrgyzstan tăng 18%, tương đương 7,5 tỷ USD.

Trung Quốc tiếp tục thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Á trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tháng 4/2022, các doanh nghiệp Trung Quốc đã khánh thành một mỏ vàng ở Tajikistan và giành gói thầu xây dựng nhiều nhà máy thủy điện, điện Mặt Trời ở Kyrgyzstan.

Trung Quốc đã khởi công xây dựng tuyến hành lang nối châu Âu (Đức, Thụy Điển) chạy qua Kazakhstan, tuyên bố nối lại công trình xây dựng tuyến đường sát Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan. Ý tưởng chạy vòng tránh lãnh thổ Nga là một ưu tiên, vì Kazakhstan và Turkmenistan là hai nhà cung cấp dầu mỏ và khí tự nhiên an toàn hơn nhiều so với Nga, vốn đang phải chịu lệnh cấm vận của phương Tây.

Trong lĩnh vực kinh tế, dù không tạo ra động lực mạnh như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2015-2020, xuất khẩu của nước này đã tăng gấp đôi lên vượt mức 1 tỷ USD với Uzbekistan. Ngược lại, Uzbekistan cũng xuất khẩu gần 1 tỷ USD sang Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ hai tại Trung Á chỉ sau Kazakhatan (1,2 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Ankara còn có tham vọng kết nối toàn bộ vùng Ngoại Caucasus củng cố ảnh hưởng. Tháng 3/2022, Thổ Nhĩ Kỳ cùng với Kazakhstan, Azerbaijan, Georgia đã ký một tuyên bố chung giới thiệu dự án Hành lang giao thông Đông Tây.

Trước đó, tháng 1/2021, Thổ Nhĩ Kỳ dàn xếp để cải thiện quan hệ giữa Azerbaijan và Turkmenistan để phát triển mỏ khí đốt Dostluk, khởi động lại dự án xây dựng tuyến đường ống gạt Iran ra rìa.

So với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran có lợi thế gần gũi địa lý với Trung Á. Iran là nước láng giềng có chung đường biên giới 992km với Turkmenistan, tham gia nhiều dự án hội nhập khu vực. Sau khi ký thỏa thuận tự do thương mại với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) vào năm 2018, Iran trở thành thành viên của SCO vào năm 2021.

Nghị định thư Aktau về quy chế biển Caspi dành cho các nước ven bờ độc quyền trên bình diện chiến lược giúp Iran có lợi thế so với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Lo ngại về sự xích lại gần nhau giữa Azerbaijan và Turkmenistan, cuối năm 2021, Iran đã ký một thỏa thuận ba bên hoán đổi khí đốt, cho phép nước này khẳng định vai trò là điểm kết nối khí đốt liên khu vực, đồng thời củng cố quan hệ với Turkmenistan.

Về vấn đề này, Iran có ý đồ thành lập tại thành phố Incheh Borun của họ, nằm trên đường biên giới với Turkmenstan, một khu kinh tế đặc biệt theo ý tưởng đã thực hiện ở Serakhs, thành phố của Iran và là điểm trung chuyển sản phẩm Iran bán sang Trung Á, chủ yếu là Turkmenistan, Uzbekistan.

Trong khi đó, Ấn Độ cũng đang cố gắng đẩy mạnh hiện diện trong khu vực, dù dến nay vẫn còn hạn chế. Tháng 1/2022, tại nước này đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên Ấn Độ-Trung Á. Nhân dịp đó, New Dehli thể hiện thiện chí phát triển trao đổi kinh tế với tất cả các nước.

Tham vọng của Ấn Độ nhận được phản hồi tích cực từ Kazakhstan, nước tham gia soạn thảo một kế hoạch mở rộng trao đổi thương mại song phương, và của Turkmenistan. Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến Ashgabat sau khi Tổng thống Serdar Berdymoukhamedov đắc cử vào ngày 12/3.

Nhà lãnh đạo Ấn Độ đã đề xuất xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt mới thay thế cho tuyến Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI), cho phép Turkmenistan xuất khẩu khí sang thị trường quốc gia Nam Á xuyên qua biển Caspi mà không cần đi qua lãnh thổ Afghanistan.

Đường ống dẫn khí đốt mới này sẽ kết nối cảng Türkmenbaşy trên Hành lang giao thông Bắc Nam (INSTC) - kéo dài từ Saint Peterbourg đến Mumbai thông qua Iran - với cảng Chabahar.

Tuy nhiên, khoản đầu tư trị giá 500 triệu USD không có nghĩa là Ấn Độ từ bỏ hoàn toàn việc trung chuyển hàng hóa qua lãnh thổ Pakistan. Mới đây, một chuyến tàu hỏa chở 140 tấn hàng, xuất phát từ Mumbai đã đến Tashkent, sau khi chạy qua Kabul và trước đó là Karachi.

Tương tự, Liên minh châu Âu (EU) cũng tìm cách gây ảnh hưởng tại Trung Á, khu vực mà họ đã đầu tư hơn 105 tỷ euro trong thập kỷ qua, chiếm 1/3 trao đổi thương mại của khu vực, trong đó Uzbekistan và nhất là Kazakhstan là những đối tác chính.

Hai nước hàng đầu tại Trung Á từ vài tháng nay đã phát đi nhiều tín hiệu thiện chí với EU. Năm 2021, Uzbekistan đã bãi bỏ hoàn toàn lao động cưỡng ép trẻ vị thành niên trong thu hoạch bông để được tham gia Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), tạo tiền đề xuất khẩu miễn thuế sang thị trường EU.

Kazakhstan, sau cuộc khủng hoảng năm 2022, đã tuyên bố sửa đổi hiến pháp để củng cố quyền lực của Quốc hội, một động thái được EU hoan nghênh. Việc giá nguyên liệu tăng, có nguyên nhân xuất phát từ cuộc xung đột tại Ukraine, đã khuyến khích EU ký thỏa thuận với Kazakhstan ngày 29/3 để tăng cường hợp tác năng lượng và nông sản. Bên cạnh đó, lệnh cấm vận dầu mỏ và hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Nga có thể đẩy nhanh việc trung chuyển khí đốt từ khu vực Trung Á sang châu Âu.

Trung Á vẫn khó thoát khỏi ảnh hưởng của Nga?

Mặc dù vậy, chiến lược đa dạng hóa quan hệ mà Trung Á tích cực thực hiện đến nay có thể là chưa đủ, ít nhất là trong ngắn hạn, để "giải phóng" họ khỏi ảnh hưởng của Nga.

Dù những khó khăn tại Ukraine đã làm xói mòn uy tín quân sự của Nga và các nước lo ngại về chủ nghĩa bành trướng, Nga vẫn là chỗ dựa quan trọng nhất về an ninh của các nước trong khu vực Trung Á, giữa lúc tình hình tại Afghanistan xấu đi, nhất là đối với Tajikistan và Turkmenistan.

Uzbekistan thì ở trong tình huống khác, nước này chỉ có biên giới khá ngắn với Afghanistan và có quân đội mạnh nhất Trung Á. Thế nhưng, lập trường của Tashkent về căng thẳng tại Ukraine có thể sẽ khiến Moskva có biện pháp trả đũa.

Còn Kazakhstan, sau cuộc khủng hoảng vào tháng 1/2022, thời gian gần đây nước này có quan hệ căng thẳng với Nga và tiếp tục xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong trường hợp nổ ra một đợt biến động xã hội mới, Kazakhstan chưa chắc đã tin tưởng Nga sẽ có ý định can thiệp do diễn biến tình hình Ukraine.

Tuy vậy, Nga vẫn là nhân tố có thể tác động tới các nền kinh tế Trung Á. Để trả đũa việc Kazakhstan từ chối giúp đỡ tránh lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đã không ngần ngại phong tỏa lượng dầu mỏ trung chuyển qua tuyến đường ống Caspian Pipeline Consortium (CPC), hành lang đóng vai trò trọng yếu đối với nền kinh tế nước này.

Ngoài ra, để bảo đảm an ninh lương thực của chính mình trước lệnh trừng phạt quốc tế, Nga đã cấm xuất khẩu lương thực, khiến giá thực phẩm tại Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan tăng vọt.

Vì những lý do đó, mối liên hệ rất chặt chẽ và lâu bền giữa hai bên đủ để Nga gây bất ổn cho các nước cộng hòa Trung Á. Tài sản của các chi nhánh tập đoàn ngân hàng Nga đã bị phong tỏa ở Kazakhstan.

Về phần Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tajikistan, kinh tế Nga suy giảm sẽ gây ra những hiệu ứng xấu, đẩy rất nhiều lao động nhập cư từ những nước này ở Nga (khoảng 8 triệu người) vào cảnh thất nghiệp, gây thất thoát một lượng lớn kiều hối và từ đó là ngân sách nhà nước. Ước tính, kiều hối đóng góp 12% GDP của Uzbekistan và tới 1/3 GDP của Kyrgyzstan và Tajikistan./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục