Những vấn đề chi phối các quốc gia Trung Á trong năm 2022

Dù có thể không đấu tranh để được giải phóng khỏi Liên Xô, nhưng Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã đạt được cương vị một nhà nước thực thụ và học được cách tồn tại...
Những vấn đề chi phối các quốc gia Trung Á trong năm 2022 ảnh 1Lãnh đạo Kyrgyzstan Sadyr Japarov. (Nguồn: The Moscow Times)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, trong năm 2021, 5 nước cộng hòa ở Trung Á đã tổ chức kỷ niệm 30 năm giành độc lập.

Dù có thể đã không đấu tranh để được giải phóng khỏi Liên Xô, nhưng Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan cũng đã đạt được cương vị một nhà nước thực thụ và học được cách tồn tại như những quốc gia có chủ quyền.

Các hệ thống chính trị và kinh tế của họ, dù thiếu tính tự do, nhưng đã đủ chín muồi để chống lại các mối đe dọa cấp bách hiện nay.

Những thành tựu này đã bị thách thức vào năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp toàn cầu. Tháng 1/2021, Tổng thống Tajikistan đã sớm công bố đất nước ông chiến thắng đại dịch COVID-19. Thế nhưng trong nửa cuối năm 2021, Trung Á đã phải vật lộn với một làn sóng lây nhiễm mới, cán mốc 1,5 triệu ca nhiễm và 22.000 ca tử vong trong tổng số 74 triệu dân.

Chính phủ Turmenistan tiếp tục phủ nhận bất kỳ ca nhiễm hay tử vong nào, nhưng các báo cáo độc lập cho biết nước này đã không thể thoát khỏi những tác động tồi tệ của đại dịch.

So với năm 2020, sự phục hồi kinh tế đã bắt đầu có tác dụng, nhưng lạm phát cao và tỷ lệ tiêm chủng thấp đồng nghĩa với việc nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu an ninh lương thực, bất ổn và ít có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Sự ổn định chính trị hầu như không bị ảnh hưởng trên toàn khu vực. Lãnh đạo Kyrgyzstan Sadyr Japarov, người đã lên cầm quyền sau các đợt biểu tình đường phố hồi tháng 10/2020, đã củng cố quyền lực khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 1/2021. Đến tháng 4/2021, ông đã thông qua một cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp để mở rộng những đặc quyền của mình và đảm bảo một kết quả thuận lợi tại các cuộc bầu cử nghị viện vào tháng 11/2021.

[Tổng thống Kazakhstan bác lời kêu gọi điều tra quốc tế về bạo loạn]

Cuộc khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng duy nhất tại Tajikistan là các cuộc biểu tình diễn ra hồi tháng 11/2021 tại Khu vực Tự trị Gorno-Badakhshan vốn vẫn bất ổn từ lâu nay, nhưng cũng đã lắng xuống chỉ sau 4 ngày đàm phán tích cực với các quan chức trung ương. Tổng thống Gurbanguly Berdymukhamedov của Turkmenistan đã thúc đẩy các kế hoạch cho một sự kế vị trong "vương triều," trong khi vẫn áp dụng cách hành xử lập dị như thường lệ.

Các cuộc bầu cử tổng thống tại Uzbekistan đã đưa Shavkat Mirziyoyev quay trở lại nhiệm sở với tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu sít sao, bất chấp sự thiếu vắng của một phe đối lập thực thụ.

Trong suốt năm 2021, có rất ít tín hiệu thể hiện các vấn đề lớn xảy ra tại Kazakhstan. Các cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 1 đã cho thấy sự ngầm chấp thuận của dân chúng đối với chế độ, mặc dù cũng chỉ ra phần nào căng thẳng giữa hai cực của quyền lực hành pháp: Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev và cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev.

Mặc dù cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev đã chính thức từ chức năm 2019, song ông vẫn duy trì được đáng kể quyền lực chính thức và không chính thức. Đầu tháng 1/2022, căng thẳng trong nội bộ giới tinh hoa đã bất ngờ dẫn đến điều mà Tokayev mô tả là một nỗ lực đảo chỉnh và “một cuộc khủng hoảng lớn” - tình trạng tồi tệ nhất của đất nước trong 30 năm sau khi giành độc lâp.

Một bức tranh chi tiết về những mục đích và động cơ đằng sau tình trạng bạo lực quy mô lớn tại Almaty và các thành phố khác hiện vẫn chưa được đưa ra, nhưng rõ ràng là quyền lực song song kia đã không còn, mà thay vào đó Tokayev hiện đã nắm chắc quyền lực trong tay.

Một trong những câu hỏi được quan tâm nhất trong năm 2022 và cả sau đó nữa là liệu sự chấm dứt đột ngột giai đoạn chuyển tiếp thời hậu Nazarbayev có dẫn tới những cải cách về hệ thống, hay chỉ đơn thuần là sự thay đổi nhân sự hành pháp và phân bổ lại tài sản hay không. Thông điệp liên bang đầu tiên của ông Tokayev đưa ra sau cuộc khủng hoảng dường như chỉ ra câu trả lời chính là vế sau.

Những vấn đề chi phối các quốc gia Trung Á trong năm 2022 ảnh 2Cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev. (Nguồn: inform.kz)

Ở cấp độ khu vực, Hội nghị Cố vấn Thứ ba của những người đứng đầu các nhà nước Trung Á được tổ chức vào tháng 8/2021 đã thúc đẩy chương trình nghị sự của sự hợp tác xuyên biên giới thực dụng, mặc dù nó không đưa ra được bất kỳ sáng kiến đột phá nào. Quan trọng là tất cả các tổng thống tại nhiệm đều tham gia cuộc họp bất chấp hàng loạt cuộc xung đột vũ trang ở trên đất liền và trên biển giữa Kyrgyzstan và Tajikistan vào đầu năm.

Hội nghị thượng đỉnh không chính thức này đã quyết tâm dành sự quan tâm lớn hơn cho chính sách ngoại giao nhân dân và đặc biệt là đối thoại giữa phái nữ để thúc đẩy sự tin tưởng và thấu hiểu lẫn nhau tại Trung Á. Đã có một sự nhận thức mang tính chiến thuật rằng chủ nghĩa khu vực giữa các nhà nước đã tiến triển một cách khó khăn.

Cuộc khủng hoảng tại Afghanistan đã phủ bóng lên chương trình nghị sự quốc tế của các nhà nước Trung Á. Sự rút quân của Mỹ và sự sụp đổ nhanh chóng của chính phủ ông Ghani tại Kabul vào tháng 8/2021 là một điều bất ngờ. Chiến thắng chóng vánh và toàn diện của Taliban đã làm gia tăng những lo ngại của các nước Trung Á về các mối đe dọa an ninh từ phía Nam, trong đó mối đe dọa lớn nhất là chủ nghĩa khủng bố.

Phản ánh về một quan điểm được chia sẻ rộng rãi, tổng thống Tajikistan cảnh báo về 6.000 binh sỹ ở phía Bắc Afghanistan trung thành với cái gọi là nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo và có liên kết với tổ chức thánh chiến ngầm tại Trung Á. Hiện có những lo ngại rằng các phiến quân này có thể nhanh chóng làm mất ổn định các chính quyền địa phương.

Các lãnh đạo khu vực đã đáp trả thách thức này theo 2 cách: nhanh chóng xây dựng các mối quan hệ thực dụng với chính quyền Taliban, hứa hẹn cung cấp cho họ các hỗ trợ, thương mại và một sự công nhận tiềm năng để đối lấy việc họ đẩy lùi các phiến quân quốc tế; các nhà lãnh đạo này cũng theo đuổi sự hợp tác quân sự và an ninh chặt chẽ hơn với Nga và Trung Quốc, đồng thời quay lưng lại với “một nước Mỹ không đáng tin cậy và không ràng buộc.”

Trong năm 2022, việc đối phó với đại dịch COVID-19 và những hình thức thể hiện sự bất mãn trong dân chúng sẽ là những ưu tiên của các chính phủ Trung Á. Các cuộc bạo loạn mới đây tại Kazakhstan khó có thể dẫn tới một sự tự do hóa lớn hơn và sự thắt chặt kiểm soát xã hội nhiều khả năng sẽ xảy ra. Không một nước nào trong số các quốc gia này dự kiến tổ chức tổng tuyển cử trong năm 2022, theo đó các tác nhân kích động biểu tình sẽ được giảm bớt.

Cũng không thể loại bỏ sự quay trở lại tình trạng thù địch ở biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan. Chỉ có một điều chắc chắn với khu vực Trung Á là tình hình tại Afghanistan sẽ tiếp tục là trọng tâm của sự hoạch định chính sách ngoại giao và an ninh của khu vực trong năm 2022./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục