Các nước vùng Vịnh cần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng

Một số quốc gia Vùng Vịnh cho rằng cần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên thực tế ở mỗi nước, khi các lựa chọn thay thế nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào.

Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu ở giếng dầu Bai Hassan, thành phố Kirkuk, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Công nhân vận hành đường ống dẫn dầu ở giếng dầu Bai Hassan, thành phố Kirkuk, Iraq. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/12, Bộ trưởng Năng lượng các nước Arab là những thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar.

Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), vẫn chưa thể đạt được đồng thuận về một thỏa thuận hành động chống Biến đổi Khí hậu.

Tham dự Hội nghị Năng lượng Arab lần thứ 12 có các Bộ trưởng của Iraq, Kuwait, Algeria, Libya và Oman (không phải là thành viên của OPEC).

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman dự hội nghị này sau khi dự hội nghị COP28 ở Dubai. Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Mohamed Al Mazrouei vắng mặt.

UAE là thành viên của OPEC và đang chủ trì Hội nghị COP28. UAE và các quốc gia khác ở vùng Vịnh cho rằng cần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên thực tế ở mỗi nước, trong bối cảnh các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào.

Trong khi đó, Saudi Arabia - lãnh đạo trên thực tế của OPEC, cho rằng COP28 nên đặt ra những mục tiêu về cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chứ không phải vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Qatar đã rời OPEC năm 2018, nhưng phần lớn lập trường của nước này tương tự các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt khác.

Tại hội nghị Năng lượng Arab, ông Saad al-Kaabi - Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng Quốc doanh QatarEnergy, cho biết nước này đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào ngành khí thiên nhiên hóa lỏng LNG dựa trên những yếu tố cơ bản của thị trường và nỗ lực giảm phát thải carbon toàn cầu.

Trong khi đó, Bộ trưởng Dầu mỏ của Kuwait, ông Saad Al Barrak lập luận rằng những hành động của nước này dựa trên chính sách duy trì sản lượng khai thác và phát triển ngành dầu khí.

Giống Bộ trưởng Qatar, ông Barrak cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư để đẩy mạnh năng lực sản xuất các nguồn năng lượng hóa thạch.

Các nước OPEC chiếm khoảng 80% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, trong đó phần lớn tập trung ở các nước thành viên thuộc khu vực Trung Đông. Doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ đem lại nguồn thu nhập chính đối với nhiều nước.

Tại COP28, ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó có Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước đang phát triển và chịu nhiều ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28. Về mặt lý thuyết, một thỏa thuận như vậy sẽ được hoàn tất vào ngày 12/12 - ngày họp cuối cùng của hội nghị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục