35 năm sau khi đại dịch HIV/AIDS bùng nổ, nhiều người dân tại các khu vực ở châu Phi vẫn chưa thể tiếp cận các phương pháp xét nghiệm để phát hiện sớm và điều trị căn bệnh thế kỷ này.
Theo các khảo sát mới nhất, hơn 50% người dân tại khu vực châu Phi hạ Sahara, đặc biệt ở Tây và Trung Phi, không biết liệu mình có nhiễm virus HIV hay không do thiếu các biện pháp kiểm tra.
Các chuyên gia cho rằng công tác xét nghiệm còn rất yếu kém tại khu vực Trung và Tây Phi, trong khi đây là bước nền tảng quan trọng để phát hiện và điều trị cho người nhiễm bệnh cũng như tư vấn cách phòng tránh cho những người nguy cơ lây nhiễm cao.
[Infographics] Những con số đáng báo động về HIV/AIDS năm 2016
So với miền Nam và Đông Phi thì các khu vực phía Tây và Trung Phi không được chú trọng, dẫn tới nguy cơ lây lan HIV/AIDS cao do tập trung nhiều đối tượng mại dâm, buôn bán thuốc phiện.
Các biện pháp kiểm tra cũng đã được triển khai tại các khu vực này như khảo sát các nhóm dân cư có nguy cơ lây nhiễm cao, kiểm tra nhanh bằng phương pháp thử máu đầu ngón tay hay các đợt kiểm tra định kỳ do các đoàn công tác của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện, song hiệu quả không cao do thiếu sự hợp tác từ phía địa phương và khó khăn trong công tác vận chuyển.
Qua đây, các chuyên gia cũng đề xuất tăng cường các phương thức giúp người dân tiếp cận với nhiều biện pháp kiểm tra dễ dàng hơn.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền quần chúng đối với nhóm đối tượng dân cư khó tiếp cận.
Triển khai thêm các công cụ hỗ trợ công tác kiểm tra như các phương pháp tự xét nghiệm theo nhiều cách thức khác nhau như thông qua các kênh phân phối thứ cấp (người trong cuộc tự chuyền tay nhau), qua các hoạt động phân phối dược phẩm ở cả các khu vực nông thôn và vùng hẻo lánh./.