Cách tiếp cận thực tế đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Một cách tiếp cận thực tế sẽ mang lại cho Triều Tiên được dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt và sự hợp tác kinh tế liên Triều để đổi lấy bước đi cụ thể, có kiểm chứng hướng tới phi hạt nhân hóa.
Cách tiếp cận thực tế đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên ảnh 1Các vật thể bay rời khỏi bệ phóng rocket trong cuộc diễn tập của các đơn vị phòng vệ Quân đội Nhân dân Triều Tiên ở phía Tây nước này, ngày 9/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng project-syndicate.org, một thỏa thuận nhằm loại bỏ tất cả năng lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, đổi lại là dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt, không thể trở thành hiện thực ngay lập tức.

Một cách tiếp cận thực tế hơn sẽ mang lại cho chế độ Kim Jong-un việc dỡ bỏ một phần lệnh trừng phạt và sự hợp tác kinh tế liên Triều để đổi lấy các bước đi cụ thể, có kiểm chứng hướng tới phi hạt nhân hóa.

Con đường dẫn đến hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn nguy hiểm hơn bao giờ hết. Sau Hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội hồi tháng 2/2019 không đạt được thỏa thuận, căng thẳng đã leo thang, một lần nữa gây những lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự.

Công thức lâu nay của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó với Triều Tiên là kết hợp các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt với đàm phán không liên tục, trong đó tập trung vào việc đảm bảo "phi hạt nhân hóa toàn diện" Triều Tiên.

Một loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngăn cản Triều Tiên tham gia hầu như bất cứ giao dịch nào với nước ngoài.

Quốc gia này không thể xuất khẩu than, sắt hay các khoáng sản khác, và nhập khẩu dầu thô của nước này cũng bị hạn chế khắt khe.

Nhiều biện pháp trừng phạt tài chính có mục tiêu cũng được áp đặt chống Bình Nhưỡng.

[Hàn Quốc tìm cách cứu vãn đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên]

Mỹ tăng cường các biện pháp này bằng các lệnh trừng phạt của riêng họ, đặc biệt nhắm đến các tổ chức tài chính nước ngoài có bất cứ mối liên quan nào với các hoạt động liên quan đến Triều Tiên.

Mỹ cũng từ chối cho bất cứ máy bay hay tàu thuyền nào đã ghé Triều Tiên trong vòng 180 ngày trở lại vào nước Mỹ. Các lệnh trừng phạt chắc chắn đã gây nhiều khó khăn cho Triều Tiên.

Nền kinh tế đã suy giảm 3,5% trong năm 2017, theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, và được cho là đã giảm hơn 5% trong năm 2018.

Hiện nay, Triều Tiên đang phải cùng lúc vật lộn với hạn hán nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng lương thực lớn nhất từ trước tới nay do vụ mùa thất bát tệ nhất trong một thập kỷ qua.

Điều khiến cho các vấn đề trở nên tồi tệ hơn với Triều Tiên là các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất và là mạnh thường quân quan trọng nhất của Triều Tiên, đang suy giảm.

Theo các số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đã giảm mạnh 88%/năm trong năm 2018, xuống còn 209 triệu USD.

Kim ngạch nhập khẩu giảm 1/3, xuống còn 2,24 tỷ USD. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia - trong đó có Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại - cho rằng chỉ riêng các biện pháp trừng phạt sẽ không bao giờ đủ để khiến phi hạt nhân hóa xảy ra.

Rốt cuộc, nền kinh tế đóng cửa của Triều Tiên đã tỏ ra kiên cường hơn nhiều so với mong đợi của bất cứ ai, và không có dấu hiệu nào cho thấy chế độ Kim Jong-un có nguy cơ sụp đổ.

Và sụp đổ sẽ không phải là một kết quả mong muốn, vì điều đó sẽ gây ra xáo trộn trong khu vực, trong đó Nga và Trung Quốc sẽ làm những gì có thể để tránh một Bán đảo Triều Tiên thống nhất liên minh với Mỹ.

Tuyên bố trước Ủy ban Trung ương Đảng Lao động cầm quyền hồi tháng 4 vừa qua, Kim Jong-un đã cam kết không nhượng bộ "các thế lực thù địch - những kẻ đã tính toán sai lần khi cho rằng các lệnh trừng phạt có thể khiến Triều Tiên phải quỳ gối."

Và chưa đầy một tháng sau, Triều Tiên đã nối lại các hành động khiêu khích với việc phóng một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới nhất của họ và thử nhiều hệ thống phóng tên lửa. Chính quyền Trump vẫn kiên quyết không nhượng bộ khi tuyên bố duy trì chính sách "sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên đồng ý với yêu cầu của Mỹ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Tuy nhiên, như Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội nhấn mạnh, việc kết hợp phi hạt nhân hóa và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ rõ ràng bất đồng với lập trường của Triều Tiên.

Sự thật là một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên như vậy, theo đó Triều Tiên loại bỏ hoàn toàn năng lực hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt, không thể lập tức trở thành hiện thực.

Mỹ và Triều Tiên nên duy trì thực hiện các mục tiêu dài hạn đã được nhất trí tại Singapore hồi năm ngoái, bao gồm phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên, và các mối quan hệ hòa bình.

Nhưng hiện nay, họ nên theo đuổi một thỏa thuận tạm thời: có các bước đi cụ thể có kiểm chứng tiến tới phi hạt nhân hóa, và đổi lại Triều Tiên sẽ được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt và hợp tác kinh tế liên Triều chặt chẽ hơn.

Một bước quan trọng sẽ là việc tháo dỡ tất cả các cơ sở làm giàu và tái xử lý hạt nhân tại cơ sở chính Yongbyon. Nước này cũng nên ngừng tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, cung cấp danh sách đầy đủ các cơ sở hạt nhân, và hoan nghênh các thanh sát viên quốc tế tới kiểm chứng.

Đổi lại, Mỹ có thể chính thức kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên, 66 năm sau khi Hiệp định đình chiến được ký. Sau đó sẽ là thiết lập các văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng và Washington DC, và dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc.

Hàn Quốc có thể hỗ trợ bằng cách theo đuổi hợp tác liên Triều. Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã cam kết cung cấp 8 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực y tế và môi trường.

Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, hai miền Triều Tiên có thể xem xét khôi phục tổ hợp công nghiệp Kaesong, mở cửa lại khu du lịch Núi Kumgang, và xây dựng đường sắt, đường bộ, và mạng lưới năng lượng kết nối hai miền Nam Bắc.

Hợp tác kinh tế liên Triều được hoạch định tốt có thể mang lại sự thay đổi thực sự, từ dưới lên trên trong xã hội Triều Tiên.

Hiện tại, nền kinh tế ngầm của Triều Tiên đang mở rộng nhanh chóng. Theo một nghiên cứu mới đây, ít nhất 70% thu nhập của các hộ gia đình đến từ các hoạt động kinh tế không chính thức, bao gồm buôn bán ở chợ và buôn lậu. Việc thị trường hóa gia tăng này làm suy yếu quyền lực của nhà nước.

Sử dụng viện trợ và hợp tác kinh tế làm đòn bẩy, Hàn Quốc bên nỗ lực thuyết phục Triểu Tiên thực hiện cải cách theo định hướng thị trường, bao gồm các biện pháp công nhận sở hữu tư nhân và bảo vệ đầu tư nước ngoài.

Căn cứ vào lợi ích của chính mình trong việc củng cố nền kinh tế đất nước, Kim Jong-un có thể chấp nhận.

Các dự án hợp tác, đặc biệt là các dự án liên quan đến đầu tư quy mô lớn, nên được lên kế hoạch cẩn thận, để các dự án đó - bên cạnh việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt - thúc đẩy sự hội nhập của Triều Tiên vào hệ thống thương mại và sản xuất của Đông Bắc Á.

Họ cũng nên giúp nước này từ bỏ phát triển vũ khí hạt nhân, thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ, và gia nhập các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại thế giới.

Tương lai của bán đảo Triều Tiên vẫn còn mù mịt. Dỡ bỏ trừng phạt và hợp tác kinh tế liên Triều có thể là một yếu tố làm thay đổi cuộc chơi, nhưng chúng sẽ chỉ trở thành một lựa chọn nếu Triều Tiên thực hiện các bước đáng tin cậy hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đầy đủ và có kiểm chứng."

Với một Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang bị giảm sút sự ủng hộ trong nước có khả năng làm lung lay cam kết của ông về tái thiết lập quan hệ, và một Trump không thể đoán trước được, Kim Jong-un có thể không còn nhiều thời gian để quyết định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục