Cải cách của Việt Nam mới ở giai đoạn tư duy ‘xóa bỏ rào cản’

'Cải cách của Việt Nam mới ở giai đoạn tư duy - xóa bỏ rào cản, có nghĩa là cái gì vướng thì gạt ra. Nhưng, nhiều nước đã sang giai đoạn cải cách nhằm tạo ra yếu tố giá trị để thúc đẩy phát triển.'
Cải cách của Việt Nam mới ở giai đoạn tư duy ‘xóa bỏ rào cản’ ảnh 1Các chuyên gia trao đổi về mục tiêu cải cách hành chính tại Diễn đàn Phát triển kinh tế Việt Nam, năm 2018. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian qua, quy trình về thủ tục khởi sự kinh doanh đã được đơn giản hóa rất nhiều, nhờ đó doanh nghiệp đã tiết kiệm thời gian cũng như chi phí gia nhập thị trường. Trong số đó, đăng ký thành lập doanh nghiệp là thủ tục hành chính có sự cải cách lớn.

[Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Phòng, chống rửa tiền]

Theo thống kê từ Hệ thống thông tin quốc gia, thời gian đăng ký doanh nghiệp trung bình chỉ còn 2,36 ngày. So sánh với Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện chỉ đứng sau Singapore (0,5 ngày) và Thái Lan (2,5 ngày) trong khu vực Đông Nam Á.

Các con số ấn tượng là không thể phủ nhận, song một số chuyên gia đầu ngành vẫn cho rằng cần phải nghiêm túc đánh giá, “quá trình cải cải thủ tục hành chính đã thành công và đạt được những mục tiêu Chính phủ đề ra?”

 

Cải cách mạnh… áp lực công việc vẫn quá tải?

“Vượt xa chỉ tiêu đã đề ra” là nhận định của bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh. Theo bà Hồng, kể từ năm 2017 đến nay, quy trình 8 bước (bao gồm đăng ký thành lập doanh nghiệp, làm con dấu, thông báo mẫu dấu, mở tài khoản, nua hóa đơn thuế, nộp thuế môn bài, đăng ký lao động, đăng ký bảo hiểm xã hội) chỉ còn khoảng 12 ngày (giảm 50% so với năm 2016).

Với mục tiêu tối đa hóa quyền tự do kinh doanh, người thành lập doanh nghiệp giờ đây chỉ việc kê khai và chịu trách nhiệm với các nội dung đó, công việc của các cơ quan đăng ký kinh doanh còn lại xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.

Chức năng của công nghệ thông tin cũng giúp cho việc đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp được thuận lợi hơn. Tính đến ngày 30/5, tỷ lệ hồ sơ đăng ký điện tử của cả nước đạt 58,44% (năm 2017 đạt 45,8%), riêng thành phố Hà Nội đạt 99,66% và Thành phố Hồ Chí Minh đạt 62,18%.

“Điều này đã vượt xa các chỉ tiêu do Chính phủ đề ra tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP. Việc minh bạch hóa thông tin trở thành cơ sở quan trọng để tạo dựng một môi trường kinh doanh an toàn và cạnh tranh lành mạnh,” bà Minh nhấn mạnh.

Song, bà Minh có chỉ ra một số khó khăn trong hoạt động cấp đăng ký kinh doanh, đó là khung khổ pháp lý còn hạn chế, Hệ thống thông tin quốc gia cần tiếp tục đầu tư nâng cấp. Thêm vào đó, quy định pháp lý về hậu kiểm chưa được hoàn thiện và công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Bà Minh còn cho biết, khối lượng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đang tăng nhanh (năm 2017: tăng 25% so với năm 2016 và gấp 3 lần so với năm 2014) trong khi lực lượng cán bộ đăng ký kinh doanh tại các địa phương gần như không có thay đổi.

“Vấn đề này đang tạo áp lực công việc lớn cho các Phòng đăng ký kinh doanh,” bà Minh nói.

Những tưởng điện tử hóa các thủ tục hành chính sẽ giảm tải áp lực cho các công chức Nhà nước trong việc xử lý các hồ sơ, song kiến nghị từ các đơn vị quản lý lại cho thấy công việc của họ ngày càng trở nên quá tải do lực lượng công chức mỏng.

 

Lý giải nghịch lý này, tiến sỹ Võ Trí Thành chỉ ra điểm mấu chốt, khâu nộp hồ sơ đã được thực hiện qua mạng internet nhưng với các quy trình thủ tục khác doanh nghiệp vẫn phải đến làm việc trực tiếp với các cơ quan quản lý.

Do đó, chi phí về thời gian, nhân lực, tài chính vẫn tiếp tục gia tăng cho cả hai phía cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

Cải cách của Việt Nam mới ở giai đoạn tư duy ‘xóa bỏ rào cản’ ảnh 2Cải cách của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn tư duy - xóa bỏ rào cản. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)


Cải cách bền bỉ… song bao giờ kết thúc?

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ, kinh nghiệm từ quốc tế, yếu tố then chốt để cải cách thành công là cam kết chính trị cũng như cam kết của nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất.

Việt Nam có điều đó, song kết quả như thế nào?

Ông Hiếu phân tích: “Chính phủ đặt ra những mục tiêu cải cách cụ thể với các giải pháp toàn diện và đặt trong một sân chơi quốc tế. Như vậy, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho sự thành công của một cuộc cải cách. Hơn thế nữa, yếu tố quan trọng nhất là cam kết của Chính phủ rất cao.”

Các báo cáo công bố từ trong nước và quốc tế trong thời gian qua đều cho thấy, sự thành công của trong tiến trình cải cách của Việt Nam. Nhưng, ông Hiếu lại nhấn mạnh: “Câu hỏi đặt ra là thành công ở mức nào?”

Không phủ nhận những kết quả đã đạt được của quá trình cải cách, nhưng ông Hiếu vẫn cho rằng kết quả chưa đạt đúng kỳ vọng cũng như các yêu cầu đề ra. Và, yếu tố thời gian được cho là vấn đề nan giải và chưa có câu trả lời cụ thể.

“Áp lực về mặt thời gian là rất quan trọng, việc hoàn thành đúng đủ thời gian là hết sức quan trọng,” vị chuyên gia này chỉ ra.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 (về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) lần đầu tiên vào năm 2014.

“Như vậy, Việt Nam đã mất bốn năm thực hiện một Nghị quyết 19 với mục tiêu về cơ bản như trước đây 4 năm trước,” ông Hiếu nói.

Cụ thể, năm 2014, Nghị quyết 19 đề ra mục tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình ASIAN-6. Sang đến năm 2015, Nghị quyết nâng mục tiêu lên mức trung bình của ASIAN-4 và cho đến năm 2018, Nghị quyết tiếp tục kiên định đạt mục tiêu này.

Song, theo Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới năm 2018 công bố xếp hạng, Singapore đứng thứ 2, Malaysia thứ 24, Thái Lan thứ 26, Brunei thứ 56 Việt Nam xếp hạng 68.

“Hiện, cải cách năng lực cạnh tranh các nước trong khu vực là rất mạnh, đà nâng hạng của các quốc gia thuộc top 4 tăng nhanh, vì vậy để đạt mục tiêu trung bình của ASIAN-4, đối với Việt Nam là một thức thức rất lớn. Vấn đề đặt ra, Nghị quyết 19 cần bao nhiêu năm nữa để đạt được kết quả như kỳ vọng?” Ông Hiếu thẳng thắn đặt vấn đề.

Ở một mục tiêu khác, Chính phủ có chủ trương, chính sách giảm chi phí cho doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho họ hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn và điều này đã được cộng đồng doanh nhân đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng  lại chỉ ra một diễn biến trái chiều khác, đó là các dự án luật, đề xuất chính sách của các cơ quan chức trong gần đây lại mang “đậm nét” tăng thu (như Dự án sửa sửa 6 luật thuế với đề xuất tăng thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, điều chỉnh trần thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu… ). Chưa hết, ông Tuấn còn cho hay, một số địa phương cũng bắt đầu đặt ra các khoản phí nhằm tăng thu ngân sách (như phí hạ tầng cảng biển…).

Nhiều băn khoăn và đầy tâm huyết, ông Hiếu thúc giục, “cải cách của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn tư duy xóa bỏ rào cản, có nghĩa là cái gì vướng thì gạt cái đó ra. Nhưng, về cơ bản nhiều nước đã bước sang giai đoạn cải cách nhằm tạo ra yếu tố giá trị để thúc đẩy phát triển”./.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục