Với những nỗ lực vượt bậc trong năm 2018, thành phố Hà Nội xem đó là điều kiện thuận lợi để bắt đầu một năm mới với nhiều hứa hẹn và kỳ vọng. Tuy nhiên, để phát triển đồng bộ, Thủ đô còn nhiều điều khó khăn, trở ngại, trong đó là cơ chế chính sách cũng như sự vận hành của các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức có nơi, có lúc còn thiếu linh hoạt, năng động và chưa thực sự vì nhân dân.
Cải cách hành chính khó nhất ở đơn vị cấp 2
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nêu ra nhiều tồn tại hạn chế trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ, nội dung cải cách hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quyết liệt, nhất là các đơn vị cấp hai trực thuộc sở, ngành. Công tác quản lý, điều hành ở một số lĩnh vực còn yếu kém, để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong nhân dân.
Việc xây dựng quy trình nội bộ của cơ quan, đơn vị; quy chế phối hợp giữa các đơn vị chưa có kết quả rõ nét. Cùng với đó, thủ tục hành chính hiện nay còn thiếu tính liên thông và phối hợp thực hiện chưa nhịp nhàng, chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả, vẫn còn tình trạng chậm, muộn trong giải quyết hồ sơ liên thông; có nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục chưa đảm bảo quy trình, thời gian.
[Cải cách thủ tục hành chính: 'Chìa khóa vàng' giúp Thủ đô phát triển]
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thành phố đặc biệt quan tâm đến trình độ, chất lượng, thái độ phục vụ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, nhất là bộ phận tiếp xúc với nhân dân.
Trên thực tế, ý thức một số cán bộ, công chức, viên chức thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ chưa cao; việc chấp hành kỷ cương của một số cơ quan chưa nghiêm, một số công chức viên chức chưa thực sự tự giác. Công tác kiểm tra, giám sát ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên và hiệu quả nên có nơi còn gây phiền hà đối với người dân.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn nhận thức công tác cải cách hành chính là vô cùng quan trọng nhưng cũng còn không ít khó khăn trở ngại, nhất là ở đơn vị cấp 2.
Thời gian qua, Sở đã có nhiều đổi mới cả về hình thức, nội dung làm việc, có hàng chục, hàng trăm thủ tục được rút gọn và mỗi doanh nghiệp đến với Hà Nội đều nhận được sự hợp tác, thân thiện, cởi mở.
Ngoài ra, Sở còn chủ động đề xuất tháo gỡ khó khăn nhiều cơ chế, tổ chức gặp mặt, giải đáp thắc mắc, khiếu nại và vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Với sự phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, cơ sơ vật chất chưa tương xứng với sự phát triển là một trở ngại mà Sở phải tiếp tục nỗ lực và sẵn sàng nhận những phản hồi từ nhiều phía để điều chỉnh cho phù hợp.
Song hành giải pháp "con người và công nghệ"
Thành phố Hà Nội xác định đầu tư công nghệ cho cải cách thủ tục hành chính là giải pháp quan trọng và phải làm ngay. Song khó khăn hiện nay là có nơi máy móc hiện đại nhưng cán bộ không đáp ứng được, bởi thiếu năng lực và kiến thức.
Thành phố đã xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức,"trong đó không những cán bộ quản lý mà cả viên chức được đào tạo nhiều hơn về công nghệ, ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, Hà Nội triển khai xây dựng trung tâm giám sát, điều hành tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động nội bộ của thành phố; duy trì và nâng cấp phát triển các ứng dụng cơ bản như thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp thống nhất liên thông 3 cấp trên địa bàn và kết nối với Văn phòng Chính phủ, tích hợp ứng dụng chữ ký số; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch.
Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, hình thành một số thành phần cơ bản của thành phố thông minh; triển khai thí điểm mô hình văn phòng tư vấn, cung ứng dịch vụ hành chính công tại quận Long Biên.
Đặc biệt, năm 2019, Hà Nội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính theo hướng đột xuất, không báo trước; xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, giao tiếp ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...
Thành phố cũng tập trung triển khai Đề án thí điểm quản lý theo mô hình “chính quyền đô thị” theo Kết luận số 22 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020”./.