Cải thiện chỉ số PCI: Giải pháp nào để duy trì trong top dẫn đầu?

Đồng Tháp, Long An quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến đầu tư.
Hội nghị đánh giá PCI năm 2020 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2021 tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)
Hội nghị đánh giá PCI năm 2020 và thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số PCI năm 2021 tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nguyễn Văn Trí/TTXVN)

Trong quá trình thực hiện, cả hai tỉnh Long An và Đồng Tháp dù đã cải thiện đáng kể được thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, vẫn còn sự chênh lệch ở một vài chỉ số so với các tỉnh, thành khác.

Chính vì vậy, lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Tháp và Long An tiếp tục đề ra những giải pháp nhằm thu hút hơn nữa các doanh nghiệp đến đầu tư lâu dài, nâng cao PCI mang tính bền vững để có thể duy trì được vị trí trong top dẫn đầu.

Những khó khăn, hạn chế

Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An cho biết, dù Chỉ số PCI của tỉnh có cải thiện so với năm 2019, nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.

Cụ thể, Chỉ số PCI của tỉnh năm 2020 xếp hạng thứ 3, nhưng điểm số giữa Long An so với các tỉnh xếp hạng 4, hạng 5 chênh lệch ít. Trong khi đó, điểm số của Long An lại thấp hơn các tỉnh xếp hạng 1, hạng 2 với khoảng cách khá xa.

Long An vẫn còn 3/10 Chỉ số thành phần giảm điểm: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp, tính thiết chế pháp lý và An ninh trật tự.

Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng các phần mềm đã đầu tư của Long An còn hạn chế; không có nhiều tổ chức, cá nhân tham gia nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua mạng trực tuyến, qua dịch vụ bưu chính công ích.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho rằng nguyên nhân trước hết thuộc trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành.

Các đơn vị chưa nắm rõ các nhiệm vụ và chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện.

Một số đơn vị và địa phương chưa thật sự quan tâm đến vấn đề đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý các vấn đề của doanh nghiệp; chưa xem việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là trách nhiệm cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc cải thiện, nâng cao các Chỉ số PCI số chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Riêng tỉnh Đồng Tháp, Chỉ số về chi phí thời gian còn bất cập (nội dung thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp). Chỉ số chi phí không chính thức về kiểm soát “tham nhũng vặt,” “chi phí bôi trơn” vẫn còn tồn tại, gây quan ngại cho doanh nghiệp. Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp bị giảm điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp thiếu các dịch vụ hỗ trợ tư nhân trong các lĩnh vực về tìm kiếm thông tin thị trường; hỗ trợ pháp lý, tìm kiếm đối tác kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến thương mại; công nghệ; đào tạo quản trị.

Hiện, các dịch vụ này ở tỉnh đều do các cơ quan nhà nước hỗ trợ, thiếu sự tham gia từ doanh nghiệp tư nhân. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp có một số hạn chế nhất định.

Nâng cao PCI mang tính bền vững

Trong niềm phấn khởi, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An chia sẻ, để đạt được thứ hạng cao năm 2020, đó là thành quả của sự phấn đấu quyết liệt của các cấp, các ngành tỉnh Long An.

Long An quyết tâm thực hiện, cải thiện những mặt chưa hiệu quả, phát huy hơn nữa các chỉ số đã thực hiện hiệu quả, nhằm hướng đến thang điểm cao nhất trong đánh giá của các doanh nghiệp.

[Cải thiện chỉ số PCI: Hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp]

Long An phấn đấu năm 2021, đưa Chỉ số PCI của tỉnh đạt 74-75 điểm.

Tỉnh Long An tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tăng cường thông tin tuyên truyền.

Cải thiện chỉ số PCI: Giải pháp nào để duy trì trong top dẫn đầu? ảnh 1Các điểm số trong bảng xếp hạng chỉ số PCI 2020 của Long An. (Nguồn: baolongan.vn)

Tỉnh thực hiện công khai kịp thời, đầy đủ các thông tin, chính sách, quy định, quy hoạch…, đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên Trang thông tin điện tử, hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.

Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, Long An quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến đầu tư.

Song song đó, tỉnh Long An thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư.

Thông qua các buổi tọa đàm, các sở, ngành, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thu, hút đầu tư đến Long An.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, năm 2021, tỉnh phấn đấu Chỉ số PCI đạt 74,81 điểm, tăng 2 điểm so với năm 2020 và duy trì trong Nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế “Rất tốt” trên cả nước.

Đồng Tháp cam kết sẽ tiếp tục có những điều chỉnh, thay đổi, nhằm tạo ra môi trường kinh doanh tốt nhất cho các nhà đầu tư.

Cụ thể, tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều mô hình, sáng kiến, giải pháp mới và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính của địa phương, như “Họp mặt doanh nghiệp;” “Càphê doanh nghiệp;” giảm 30% cuộc họp để đi cơ sở; đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 - một bước tiến trong nỗ lực xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.

Đồng Tháp tăng cường hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp bằng cách tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng trên cả nước, như ra mắt Trung tâm đặc sản và du lịch Đồng Tháp tại Hà Nội, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang); “Tuần hàng cá tra, ba sa và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội; các gian hàng đặc sản Đồng Tháp tiếp tục đến các Trung tâm thương mại lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh; câu lạc bộ doanh nghiệp tại các địa phương.

Theo ông Trương Hòa Châu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, Đồng Tháp sẽ tăng cường công khai, minh bạch thông tin; minh bạch trong đấu thầu, quy hoạch quỹ “đất sạch” phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư.

Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử; cung cấp các dịch vụ trực tuyến “một cửa;” mở rộng lĩnh vực tiếp nhận, trả hồ sơ qua dịch vụ Bưu chính công ích…

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Thông qua Chỉ số PCI, tỉnh Đồng tháp 'soi' lại mình để tiếp tục điều hành, cải cách, thúc đẩy phát triển cộng đồng doanh nghiệp. Quan trọng nhất, không phải là thứ hạng mà chính là sự hài lòng của doanh nghiệp. Thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của địa phương."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục