Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, chiều 15/11, Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia ra thông cáo báo chí về kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc, được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan.
Thay mặt Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế-Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth chúc mừng 75 năm thành lập Liên hợp quốc và bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ đề năm nay của Liên hợp quốc: "Tương lai chúng ta muốn, Liên hợp quốc chúng ta cần: Tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương,” phản ánh khát vọng mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới giữ vững hòa bình và thịnh vượng thông qua các cam kết tập thể đối với chủ nghĩa đa phương.
Campuchia kêu gọi quan tâm hơn nữa đến việc hợp tác liên lĩnh vực và một động lực mạnh mẽ hướng đến hiện thực hóa hội nhập khu vực thông qua triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn tiếp theo (2021-2025).
Campuchia cũng đề xuất Liên hợp quốc cung cấp thêm nguồn lực và chuyên gia, đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm và bài học tốt nhất trong hoạt động gìn giữ hòa bình, như hoạt động đào tạo trước triển khai và sau triển khai, hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình thực thi sứ mệnh một cách hiệu quả.
[Đề xuất LHQ hỗ trợ ASEAN thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững]
Thông cáo của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên hợp quốc đánh giá cao hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc như là những đối tác đáng tin cậy trong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương hòa bình khu vực và thế giới, an ninh và thịnh vượng. ASEAN hoan nghênh Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN, một ASEAN đóng vai trò trung tâm và phát triển.
Theo thông cáo, hội nghị đã thảo luận cách thức ASEAN và Liên hợp quốc có thể hợp tác nhằm giải quyết các tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thực hiện hiệu quả quá trình hồi phục kinh tế-xã hội hậu đại dịch. Lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo lưu thông các loại vaccine phòng COVID-19 như là dạng hàng hóa toàn cầu với mức giá hợp lý và khả năng tiếp cận công bằng cho tất cả các quốc gia.
Thông cáo nêu rõ hội nghị thừa nhận vai trò không thể thiếu của Liên hợp quốc, đặc biệt là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc hỗ trợ các nước trên thế giới thúc đẩy các biện pháp ứng phó với những đại dịch trong hiện tại và tương lai dựa trên các dữ liệu và phân tích khoa học.
Hội nghị tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với việc thúc đẩy hợp tác thông qua thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Liên hợp quốc (2021-2025). Hội nghị nhấn mạnh hơn nữa về giá trị của việc thực hiện các bổ sung giữa kế hoạch Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự Liên hợp quốc về phát triển bền vững. Các bên đã cùng thảo luận việc ứng phó với thảm họa, các vấn đề cải thiện hệ thống y tế, phi hạt nhân hóa, khủng bố và cực đoan./.