'Cần bảo vệ thỏa thuận hạt nhân trước bất kỳ thử thách nào'

Thủ tướng Theresa May cho rằng thỏa hiệp vẫn là cách tốt nhất để có được kết quả mà tất cả các bên vẫn luôn tìm kiếm là cùng nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân.
'Cần bảo vệ thỏa thuận hạt nhân trước bất kỳ thử thách nào' ảnh 1Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở London ngày 17/7.(Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 17/7 khẳng định tầm quan trọng của một thỏa hiệp nhằm ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu quan trọng cuối cùng trước khi rời nhiệm sở vào tuần tới, Thủ tướng May nhấn mạnh cần bảo vệ thỏa thuận hạt nhân "trước bất kỳ thử thách nào."

Theo bà, dù muốn hay không, thỏa hiệp vẫn là cách tốt nhất để có được kết quả mà tất cả các bên vẫn luôn tìm kiếm là cùng nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân, duy trì sự ổn định tại khu vực.

Thủ tướng May đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Washington đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 5/2018, với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Tehran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) tham gia ký kết thỏa thuận gồm Anh, Pháp, Đức đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận.

[Ngoại trưởng Iran: Người dân phải hứng chịu “khủng bố kinh tế"]

EU đã thông báo thiết lập INSTEX để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Tháng Năm vừa qua, Iran tuyên bố tạm ngừng thực thi một số điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời thông báo sẽ khởi động quá trình làm giàu urani ở cấp độ cao hơn nếu các cường quốc châu Âu không có biện pháp bảo vệ lợi ích của Tehran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Đầu tháng Bảy, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Căng thẳng giữa Iran và phương Tây tiếp tục leo thang sau khi Lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh hôm 4/7 bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 của Iran do nghi tàu này vận chuyển dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

Chính quyền Tehran cho rằng việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của Iran là hành động bất hợp pháp và sẽ gánh chịu hậu quả.

Trong một tuyên bố cũng trong ngày 17/7, Bộ Quốc phòng Anh (MoD) cho biết London đang điều tàu khu trục HMS Kent tới vùng Vịnh để bảo vệ các lợi ích của nước này và đảm bảo tự do hàng hải sau những căng thẳng với Iran.

Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Anh cho biết việc triển khai tàu HMS Kent là hoạt động thường lệ và đã có từ lâu. Tuy nhiên, trong tuyên bố mới nhất, bộ trên cho biết các chi tiết về việc triển khai tàu này và tàu hỗ trợ RFA Wave Knight đã bị lẫn lộn.

Anh vẫn tập trung vào việc đảm bảo giảm thiểu căng thẳng tại khu vực và việc triển khai HMS Kent tới vùng Vịnh sẽ diễn ra trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục