Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình) nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước….
Việc thực hiện Chương trình, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Nhân dịp đầu Xuân mới Giáp Thìn 2024, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh xoay quanh nội dung này.
- Bộ trưởng có thể khái quát đôi nét về kết quả việc thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi trong năm qua, đặc biệt là chính sách về an sinh xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đồng thời cũng là năm thứ ba thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban Dân tộc với chức năng quản lý nhà nước của mình và là cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình, đã nỗ lực, tích cực triển khai các chính sách trên địa bàn toàn quốc.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, chủ trương và hệ thống chính sách pháp luật nhà nước, Ủy ban Dân tộc đã triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, đó là: Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế, các văn bản, thông tư hướng dẫn để tổ chức triển khai Chương trình.
Thứ hai, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương thông qua việc tổ chức hội nghị để tiếp thu ý kiến trong quá trình tổ chức triển khai.
Thứ ba, thông qua việc các địa phương gửi kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc, chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành giải đáp. Cùng với đó, trên cơ sở 10 dự án của Chương trình, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức các cuộc kiểm tra, tháo gỡ khó khăn ở địa phương.
Năm 2023, Ủy ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để xây dựng báo cáo phục vụ đoàn giám sát tối cao của Quốc hội đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số quy định liên quan đến chính sách dân tộc; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi một số chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác do Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ giao.
Đánh giá chung, các chủ trương, chính sách lớn và các nội dung được Thủ tướng Chính phủ giao cơ bản đã được Ủy ban Dân tộc hoàn thành. Qua quá trình tổng kết, đánh giá cho thấy, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, thời gian ngắn, yêu cầu cao, địa bàn rất rộng, các chính sách có sự thay đổi, điều chỉnh cả về mặt cơ chế, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn; tuy nhiên đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc các cấp đã hết sức nỗ lực, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để triển khai tương đối hiệu quả trong năm vừa qua.
Trong quá trình đó, chúng tôi cũng kết hợp giữa việc triển khai chính sách với thực hiện chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là những vấn đề hiện còn nhiều khó khăn đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn quốc như nhà ở, nước sinh hoạt, đất sản xuất, giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe...
- Thưa Bộ trưởng, để vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thêm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, với vai trò của mình, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu với Đảng, Nhà nước thực hiện các chính sách này như thế nào?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Đối với chính sách an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để giải quyết những vấn đề khó khăn của đồng bào và đã được tích hợp trong Chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban Dân tộc đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai đầy đủ các chính sách sẵn có, đồng thời tham mưu đánh giá lại hệ thống chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên phạm vi toàn quốc.
Một trong những giải pháp quan trọng mà Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục triển khai, đó là huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để ưu tiên hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thực hiện chính sách an sinh xã hội. Chúng tôi nhận thấy đây là một chủ trương rất đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Với vai trò, trách nhiệm của mình, Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Đảng, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các địa phương, ngoài nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương luôn sẵn sàng dành các nguồn lực để hỗ trợ cho bà con, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới...
Mỗi khi bị thiên tai, dịch bệnh, cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số đều có sự chung tay đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, từ đó tạo thêm nguồn lực to lớn để thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua.
- Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về những trăn trở trong quá trình triển khai các chính sách an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Dưới góc độ là cơ quan quản lý nhà nước về công tác các dân tộc và chính sách dân tộc, chúng tôi đã phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chính sách. Quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia đều kết hợp các chính sách đầu tư với chính sách an sinh xã hội.
Điều tôi trăn trở nhất là làm thế nào để đồng bào nâng cao được nhận thức của mình, tự bản thân vươn lên trong cuộc sống; phát huy tinh thần tự lực, tự cường nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh ở từng vùng quê, từng địa bàn để vươn lên giảm nghèo. Trên cơ sở hệ thống những chính sách của Đảng, Nhà nước sẵn có và sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mong muốn đồng bào sẽ ngày càng vươn lên làm giàu trên chính quên hương mình.
Chúng tôi cũng suy nghĩ cần có cơ chế, giải pháp quyết liệt để giải quyết những vấn đề cần thiết cho bà con hiện nay, đó là về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, mô hình sản xuất; vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào... Cùng với đó là các vấn đề như đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hệ thống điện, đường giao thông; về cơ sở vật chất như trường học, trạm xá, nhà văn hóa để phục vụ cho đồng bào...
Những vấn đề này ở nhiều nơi đã được đầu tư, tuy nhiên cũng chưa thể đáp ứng được những mong muốn của bà con. Đây là những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để đề xuất được các chính sách một cách căn cơ trong thời gian tới.
Với trách nhiệm của mình, thời gian tới Ủy ban Dân tộc sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đánh giá, tổng kết theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo với các cấp có thẩm quyền; đặc biệt là việc tổng kết thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 và chuẩn bị xây dựng các nội dung cho Chương trình giai đoạn 2026-2030. Cần có hệ thống chính sách bao trùm, toàn diện theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII.
- Nhân dịp đón Xuân mới, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới những người làm công tác dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Thay mặt Ủy ban Dân tộc, tôi gửi tới toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Nam lời cảm ơn trân trọng về sự đồng lòng, đồng tình, ủng hộ trong việc triển khai các chính sách dân tộc trong năm qua, chúc mọi người sức khỏe, hạnh phúc, gia đình an khang, thịnh vượng nhân dịp năm mới 2024.
Nhân dịp này, tôi cũng gửi lời cảm ơn tới đội ngũ những người làm báo trong thời gian qua đã đồng hành với cơ quan làm công tác dân tộc các cấp nói chung và Ủy ban Dân tộc nói riêng trong việc chuyển tải các thông tin về chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như những kết quả thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chúc các đồng chí năm mới thắng lợi mới!
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.
Đẩy lùi hủ tục, thay đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số
Theo ông A Nang, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum, một bộ phận người dân lớn tuổi vẫn tin vào kết quả của việc thực hiện hủ tục bởi hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức.