Cần khoảng 13.800 lao động khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động

Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, ngoài sử dụng nhiều lao động trình độ cao, sân bay cũng cần nhiều lao động phổ thông và những người trình độ dưới cao đẳng để đảm nhận các công việc khác.
Cần khoảng 13.800 lao động khi Sân bay Long Thành đi vào hoạt động ảnh 1Khu vực văn phòng và điểm tập kết máy móc, phương tiện của nhà thầu thi công sân bay Long Thành. (Ảnh: Công Phong/TTXVN)

Ngày 29/7, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai thông tin, theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành sẽ cần khoảng 13.800 lao động, trình độ từ phổ thông đến trên đại học, trong đó nhiều nhất là đại học với khoảng 5.000 lao động, chiếm khoảng 40% tổng số lao động phục vụ dự án. Số còn lại là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm cấp quốc gia đặc biệt lớn. Khi sân bay hoàn thành, ngoài sử dụng nhiều lao động trình độ cao, đảm nhiệm các nhiệm vụ chuyên môn liên quan đến lĩnh vực hành không, sân bay cũng cần nhiều lao động phổ thông và những người trình độ dưới cao đẳng để đảm nhận các công việc khác nhau.

Tuy nhiên, ngành hàng không có tính chất đặc thù, người học phải có trình độ đầu vào nhất định và cơ sở giáo dục phải được cấp phép của cơ quan chuyên môn mới thể đào tạo.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai, nguồn nhân lực phục vụ Sân bay Long Thành là vấn đề được ngành chức năng, người dân Đồng Nai rất quan tâm. Bởi quá trình triển khai dự án, hàng nghìn hộ tại địa phương đã nhường đất để nhà nước xây dựng sân bay, con em các gia đình mong muốn sau này được vào sân bay làm việc.

[Thi công 3 ca, 4 kíp để hoàn thành dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam]

Thời gian qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã làm việc với Cục Hàng không Việt Nam về nhu cầu nhân lực phục vụ sân bay, đồng thời có văn bản đề nghị Viện Khoa học-Công nghệ hàng không Việt Nam hỗ trợ xây dựng dự thảo Dự án Đào tạo nhân lực hàng không chất lượng cao.

Ngoài ra, ngành chức năng đang hỗ trợ các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đào tạo các ngành nghề liên quan đến hàng không. Đến nay, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã hợp tác với một số đơn vị đào tạo logistics trong lĩnh vực hàng không và các ngành nghề như nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không; nhân viên điều độ, khai thác bay; nhân viên khai thác mặt đất.

Thời gian tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng cho người dân, học sinh trên địa bàn về nhu cầu, ngành nghề, cơ hội việc làm tại Sân bay Long Thành.

Tỉnh cũng sẽ làm việc cụ thể với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam và các công ty sử dụng lao động để liên kết, phối hợp đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, khu cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, khu thương mại dịch vụ lân cận Sân bay Long Thành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục