Cần quy định về miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Mặt trận và đoàn thể tham gia ý kiến với Tòa án, đóng góp ý kiến trong quá trình quyết định việc đưa trẻ em vào cơ sở cai nghiện để đảm bảo quyền của trẻ em.
Cần quy định về miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ảnh 1Một phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/3/2022. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo Thông báo số 765/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với nội dung được đề cập tại Tờ trình, dự thảo Pháp lệnh và Báo cáo thẩm tra.

Trong quá trình tiếp thu hoàn thiện dự thảo pháp lệnh, cần thể hiện các nội dung: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành cần có quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; điều kiện tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong dự thảo pháp lệnh để làm căn cứ áp dụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất không quy định về thời hiệu xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong pháp lệnh này.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân, cần quy định Viện kiểm sát nhân dân thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là kiểm sát hoạt động tư pháp, đúng thực tiễn hoạt động và đúng với phạm vi quy định của pháp lệnh này.

Về tham gia phiên họp tại Tòa án của Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc quy định theo hướng cho phép Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội được ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên họp tại Tòa án, trong trường hợp Trưởng phòng không dự được.

[Thủ tướng chủ trì họp về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh]

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để làm rõ thêm tình hình trẻ em bị nghiện ma túy, báo cáo đánh giá tác động, thực trạng các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước, chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện và trong đó có những điều kiện bảo đảm quyền của trẻ em theo luật định, thực trạng, quy định hiện hành, chế độ, những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo tính khả thi của việc tiến hành các trình tự, thủ tục trong pháp lệnh này, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ sở xem xét, quyết định.

Về các vấn đề khác như: các điều kiện về hoãn, miễn, tạm đình chỉ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; các quy định về tính chất thân thiện; mời các chuyên gia tâm lý, y tế, giáo dục, xã hội học; Mặt trận, đoàn thể tham gia ý kiến với Tòa án, tham gia ý kiến trong quá trình quyết định việc đưa trẻ em vào cơ sở cai nghiện để đảm bảo quyền của trẻ em.

Về trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ của các cơ quan, vấn đề xác định và xác nhận tình trạng bệnh tật mà phải đưa ra khỏi cơ sở cai nghiện và các điều kiện bảo đảm, cần phải rõ ràng hơn, bảo đảm tính khả thi hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra.

Có báo cáo tiếp thu, giải trình cụ thể ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh, gửi Thường trực Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện về kỹ thuật văn bản; lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua tại đợt hai, phiên họp vào ngày 24/3 tới./.

Cần quy định về miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện ảnh 2Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy Bắc Ninh chăm sóc sức khỏe cho các học viên. (Ảnh: Thái Hùng-TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục