Cảng sông đầu tiên ở Bình Dương đi vào hoạt động

Đây là cảng thủy nội địa được sử dụng bốc xếp hàng hóa và container có quy mô 63ha gồm 16 cầu cảng, tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng.
Ngày 9/5, Công ty cổ phần Cảng Thạnh Phước - góp vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng-Tư vấn-Đầu tư Bình Dương (Biconsi), Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên và Công ty Cổ phần Giao nhận-Vận tải U&I đã tổ chức khánh thành đưa vào hoạt động giai đoạn 1 Cảng Thạnh Phước.

Cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của tỉnh Bình Dương nằm bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai tại xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên.

Đây là cảng thủy nội địa cấp 3 được sử dụng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp và container có quy mô 63ha gồm 16 cầu cảng với tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng (trong đó có 60 tỷ đồng đầu tư 10ha tái định cư) và có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan từ 1.000 đến 2.000 tấn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước, giai đoạn 1 có diện tích xây dựng 25ha với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng bao gồm 8 cầu cảng, đường bãi nhà kho, thiết bị bốc xếp… có thời gian thi công từ năm 2010 đến 2014 và khi hoàn thành có công suất bốc dỡ hàng hóa 2,5 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 2 xây dựng từ năm 2014-2018 trên diện tích 28ha với 8 cầu cảng cùng các công trình phụ trợ với tổng vốn đầu tư 610 tỷ đồng và nâng tổng công suất bốc dỡ đạt 5 triệu tấn hàng hóa/năm…

Sau 2 năm thi công, đến nay phần 1 giai đoạn 1 cảng Thạnh Phước đã hoàn thành các hạng mục, gồm: 2 cầu cảng có tổng chiều dài 124m, lắp dựng xong 2 cần cẩu liebherr với công suất bốc dỡ 312.500 tấn/năm, hệ thống đuờng bãi và kho hàng với tổng diện tích 37.000m2; hạ tầng giao thông nội bộ, hệ thống cấp điện, hệ thống chiếu sáng, thiết bị làm hàng… với vốn đầu tư 220 tỷ đồng.

Bên cạnh xây dựng hạ tầng kỹ thuật cảng, chủ đầu tư cảng đã xúc tiến và hợp tác với nhiều đối tác như ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều khách hàng với số lượng container lớn; làm việc với trên 30 hãng tàu vận chuyển trong đó có nhiều hãng cam kết đưa container về cảng khi cảng hoạt động.

Ngoài ra, Công ty Cổ phần Cảng Thạnh Phước đã làm việc, hợp tác với các đơn vị vận tải sà lan để vận chuyển từ cảng Thanh Phước đến các cảng nước sâu Cái Mép, Thị Vải và ngược lại.

Việc đưa cảng Thạnh Phước đi vào hoạt động sẽ mở ra cửa ngõ thông thương hàng hóa xuất nhập khẩu của Bình Duơng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu và kết nối hạ tầng giữa các khu công nghiệp của tỉnh với cảng biển quốc tế bởi cảng Thạnh Phước gần các khu công nghiệp, có đường giao thông thuận lợi, cước vận chuyển thấp hơn so với đường bộ./.

Quách Lắm (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục