Hành động tẩy chay của nhóm các nước Arab do Saudi Arabia dẫn đầu liên quan đến căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh trong thời gian gần đây đã gây tổn thất về kinh tế cho tất cả các nước có liên quan, trong đó Bahrain và Qatar là hai nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đây là đánh giá của Dịch vụ Nhà đầu tư của Moody (MIS) - cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín hàng đầu của Mỹ trong một báo cáo công bố ngày 13/9.
Trong báo cáo của MIS, cuộc khủng hoảng ngoại giao tại vùng Vịnh giờ đây đã khiến "bức tranh" tín dụng của toàn bộ 6 nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait, Oman và Qatar, chuyển sang gam màu tối.
Báo cáo nêu rõ kể từ ngày 5/6 - thời điểm Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cắt đứt quan hệ ngoại giao và sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Qatar vì cho rằng nước này hỗ trợ các nhóm Hồi giáo cực đoan, Doha chịu tổn thất lớn về kinh tế, tài chính và xã hội liên quan đến các lệnh cấm đi lại và giao thương, cụ thể trong lĩnh vực thương mại, du lịch và ngân hàng.
Theo ghi nhận của Moody, trong tháng 6 và 7/2017, đã có 30 tỷ USD dòng tiền vốn chi tiêu trong khu vực chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng Qatar. Con số này được dự báo sẽ còn tăng thêm khi các ngân hàng của GCC rút lại các khoản tiền gửi.
Ước tính, Qatar đã chi 38,5 tỷ USD, tương ứng 23% GDP, để hỗ trợ nền kinh tế trong 2 tháng đầu tiên bị cô lập.
[Căng thẳng vùng Vịnh: UAE chỉ trích Qatar phớt lờ "vấn đề cốt lõi"]
Trước thực trạng trên, Moody's cảnh báo chi phí tài chính của Qatar sẽ còn tăng trong thời gian tới, tuy nhiên cơ quan này không mong rằng Doha sẽ buộc phải vay tiền từ thị trường vốn quốc tế trong năm nay.
Báo cáo của MIS cho rằng cẳng thẳng tại vùng Vịnh cũng có thể ảnh hưởng đến tỷ giá giữa đồng nội tệ của Bahrain so với đồng USD và điều này sẽ khiến Vương quốc nghèo khó nhất trong 6 nước giàu dầu mỏ GCC chịu thêm gánh nặng chi phí vay mượn.
Ngoài ra, theo nhận định của MIS, sự rạn nứt trong quan hệ ngoại giao chắc chắn sẽ làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động của GCC khi xung đột tiếp tục kéo dài.
Xung đột ngoại giao giữa Qatar và các nước Arab tiếp tục rơi vào bế tắc khi các bên không chịu nhượng bộ hay thỏa hiệp. Doha và bên còn lại trong cuộc khủng hoảng không ngừng chỉ trích và lên án lẫn nhau, gây phương hại đến các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế./.